Ngày 12/4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Thông tin về nội dung dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ cơ bản tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn.
Đó là bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về Sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 8 (ngày 15/2/2022).
Cần xử hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
PGS.TS Quách Sỹ Hùng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật của MTTQ Việt Nam cho rằng, đối với những tài sản hữu hình thì đã rõ ràng, còn với những tài sản trí tuệ thì tính chất hoàn toàn khác, càng sử dụng thì càng gia tăng, không mất đi.
Chúng ta có quyền lực kinh tế và quyền lực trí tuệ, trong đó quyền lực trí tuệ rất quan trọng, nếu phát triển thì quốc gia hưng thịnh. Do đó, sửa luật lần này cần bảo đảm bảo vệ được quyền lực trí tuệ đó.
Tác giả mà bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì rất bức xúc. Một nhạc sĩ thấy ca khúc của mình được biểu diễn tràn lan, không ai bảo vệ, nên hội bảo vệ quyền tác giả phải được xây dựng đủ mạnh, có đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền tác giả, tương tự như Hội bảo vệ người tiêu dùng.
Những người tham gia Hội bảo vệ quyền tác giả phải có năng lực, am hiểu pháp luật chuyên sâu để thực thi tốt nhiệm vụ của mình; đồng thời phải có tòa án chuyên về xử lý các vụ việc liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, tương tự tòa án về hôn nhân và gia đình.
Ông Quách Sỹ Hùng cũng đề nghị cần quy định xử phạt nghiêm những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kể cả xử lý hình sự, nhất là trong bối cảnh hành giả, hàng nhái ngày càng lộng hành và làm tổn hại người tiêu dùng, ảnh hưởng đến nền sản xuất, kinh tế thị trường.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội nhấn mạnh đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng nhiều sản phẩm, hàng hóa của người Việt Nam bị nước ngoài đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
“Xử phạt hành chính phải tính thiệt hại của người bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, một bộ phim làm ra chưa thu được lợi nhuận đã bị xâm phạm thì thiệt hại của họ là rất lớn, nên khi xử phạt phải tính thiệt hại đó”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nêu rõ.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đáp ứng các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu mới đề ra theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ông mong muốn nội dung sửa đổi, bổ sung lần này sẽ khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần tổng hợp đầy đủ, toàn diện với tinh thần cầu thị, tiếp thu cao nhất để khẩn trương hoàn thiện văn bản góp ý gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần thứ 3 vào tháng 5 tới đây.
Thu Hằng