Năm 2020, ngành dệt may Việt Nam vươn lên đứng thứ 2 thế giới về giá trị xuất khẩu. Để có được vị trí đó, các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đã phải đưa ra giải pháp cực kỳ nhanh và hiệu quả nhất là trong bối cảnh kho khăn do dịch Covid-19.
Chia sẻ với báo chí, ông Ninh Xuân Thảo – Giám đốc Công ty TNHH May Hưng Nhân cho biết: “Chúng tôi cũng đã trải qua một kỳ tích của năm 2020 với nhiều bước đột phá, đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại và chúng tôi chuyển hóa nhanh các thị trường từ thị trường chính là thị trường Mỹ và Châu Âu, chuyển hướng sang thị trường Nhật và Hàn Quốc. Điều này, đã đem lại một việc là chúng tôi duy trì ổn định hoạt động sản xuất, doanh thu tăng trường 5% so với cùng kỳ năm ngoái.”
Dệt may quyết tâm đạt 39 tỷ USD xuất khẩu, bất chấp dịch bệnh (ảnh: Băng Dương) |
Dịch Covid 19 cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến đơn hàng, doanh thu của công ty. Để vượt qua những khó khăn, công ty may Hưng Nhân đã nhanh chóng chuyển đổi của thị trường xuất khẩu từ các thị trường truyền thống sang thị trường nội địa, tìm kiếm thêm nhiều đối tác mới, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Giám đốc sản xuất Công ty May Đô Lương nói: “Thị trường nội địa Việt Nam là một thị trường rất rộng lớn và rất nhiều công ty cũng cạnh tranh. Đối với công ty, chúng tôi hiện tại đang, đã đi sâu được vào nội địa. Tôi nghĩ, tiềm năng của Việt Nam là còn rất nhiều, nhiều cơ hội để cho chúng tôi giữ phong độ ở năm 2021".
Theo các chuyên gia, Covid 19 tạo ra những thách thức nhưng chính những thách thức này đã khiến doanh nghiệp trong ngành dệt may vững vàng hơn. Khả năng quản trị, khả năng ứng phó với những khó khăn của doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam ngày một cao hơn. Chính những điều này sẽ làm tiền đề để các doanh nghiệp ngành này phát triển khi dịch bệnh đi qua.
Ngoài những yếu tố trên, Covid 19 còn tạo ra một kết quả tích cực khác.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch dệt may Việt Nam cho rằng: “Chúng ta vẫn là nước chiếm một tỷ trọng xuất khẩu đứng hàng thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc là đến Việt Nam, chúng ta vẫn giữ được một tỷ trọng nhưng với một cái điều kiện tình hình diễn biến của Covid 19 trong nước của chúng ta kểm soát được.”
Dệt may quyết tâm đạt 39 tỷ USD xuất khẩu, bất chấp dịch bệnh |
Trong những tháng đầu năm 2020, không nhiều người tin rằng, ngành dệt may sẽ đạt kim ngạch 35 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm. Do sự tác động tiêu cực của dịch bệnh, với việc các làn sóng Covid liên tục ập đến ở nhiều thị trường chính của Việt Nam. Nhiều chuyên gia dự báo, ngành này chỉ có thể đạt được khoảng 30 tỉ đô la Mỹ.
Tuy vậy, bằng những nỗ lực của các doanh nghiệp ngành này đã giúp cho dệt may Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Năm 2021, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 39 tỉ đô la Mỹ, mức kế hoạch cao tương đương năm 2019.
Ngành dệt may cũng xác định, các thị trường hàng đầu vẫn là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, EU.
Để ngành dệt may trở lại đà tăng trưởng trong năm 2021, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp ngành này không gì khác hơn là dịch bệnh sớm được khống chế.
Năm 2021, nhiều đặc điểm mới của chuỗi cung ứng sẽ được thiết lập như xu thế giảm giá chi phối toàn thị trường, hàng hóa dệt may đơn giản thay thế hàng thời trang dẫn đến nhiều năng lực sản xuất dư thừa nhưng năng lực mới lại thiếu hụt. Mô hình kinh doanh online, giảm trung gian, đòi hỏi quản trị và giao tiếp số đòi hỏi toàn bộ thành phần của chuỗi cung ứng.
Ông Ninh Xuân Thảo – Giám đốc Công ty TNHH May Hưng Nhân cho biết: "Chúng tôi cũng xác định tinh thần sẽ đưa tổng doanh thu nội địa năm 2021 là 30% trong tổng số doanh thu của năm. Để thực hiện việc này, chúng tôi cũng có rất nhiều giải pháp đặc biệt là công tác triển khai việc thiết kế mẫu và chào hàng, tìm các nhà cung ứng trong nội địa".
"Hiện nay, chúng tôi đã ký được môt hợp đồng rất lớn và chắc chắn chúng tôi sẽ hoàn thành mục tiêu đưa tỉ trọng hàng nội địa lên chiếm 30% doanh thu của năm", ông Thảo nói.
Ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Giám đốc sản xuất Công ty May Đô Lương chia sẻ: “Để đảm bảo việc xuất khẩu sang các thị trường của Hàn Quốc, Nhật, Mỹ thì người ta đòi hỏi nhất về chất lượng và thiết bị máy móc để phục vụ đáp ứng về nhu cầu sản phẩm của các nước. Chúng tôi đã đầu tư toàn bộ hệ thống các máy móc hiện đại chuẩn bị cho việc này".
Với khí thế này, mục tiêu hồi phục kim ngạch xuất khẩu với con số 39 tỷ USD là nằm trong tầm tay.
Văn Thành