Oxford và nhiều trường đại học Anh phản đối kiến nghị của phó thủ tướng Nick Clegg, yêu cầu hạ tiêu chuẩn xét tuyển đối với học sinh nghèo, thiệt thòi.

TIN BÀI KHÁC

Trường ĐH Oxford
Bất đồng giữa Chính phủ Anh và những người lãnh đạo tiếng tăm của Trường ĐH Oxford đang ngày càng căng thẳng xung quanh việc chính phủ nước này yêu cầu trường phải nhận thêm số lượng lớn học sinh thiệt thòi, gặp khó khăn từ các trường phổ thông công lập.  
Không chỉ ĐH Oxford, sự phản kháng đối với kế hoạch của chính phủ đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng học thuật khi các trường bắt buộc phải nhận thêm nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nếu áp dụng mức học phí tối đa là 9.000 USD một năm.

Phản ứng dữ dội từ cộng đồng học thuật đối với tầm nhìn của chính phủ Anh về tương lai của các trường đại học hàng đầu có thể sẽ làm cho người đứng đầu đảng dân chủ tự do phải lúng túng.

Phó Thủ tướng Clegg đã đưa ra lời chỉ trích nặng nề, xem các trường ĐH là phương tiện của phân biệt xã hội. Ông yêu cầu các trường mở rộng cánh cửa cho những người thiệt thòi bằng cách giảm thủ tục, hạ tiêu chuẩn đầu vào đối với học sinh nghèo.
Các trường ĐH ở Anh được cảnh báo sẽ phạm vi luật pháp nếu không đa dạng hóa đối tượng tuyển sinh.

Clegg còn nhấn mạnh, Trường ĐH Oxford không thể thu mức học phí 9000 USD nếu không nhận được sự cho phép của chính phủ và chính phủ chỉ cho phép với điều kiện nhà trường chứng minh được số lượng đáng kể học sinh nghèo, thiệt thòi sẽ được nhận vào học.  
Thế nhưng tuần trước, phó hiệu trưởng Andrew Hamilton thông báo sẽ thu mức học phí tối đa 9.000 USD đối với mọi đối tượng, trừ sinh viên nghèo, nhưng nhà trường vẫn giữ nguyên chính sách đánh giá, xét tuyển đầu vào của mình.

Theo ghi nhận của The Observer tại mội cuộc họp của Hội đồng tối cao, Đại hội đồng Trường  ĐH Oxford, Chủ tịch Ủy ban tuyển sinh đã phát biểu rằng Oxford sẽ không để mình trở thành nạn nhân của ‘thủ đoạn chính trị’.

Còn Tim Gardam, hiệu trưởng ĐH Anne thì cho rằng: "Oxford nên phản đối bất kỳ ý tưởng nào nói có sự thỏa hiệp về mức học phí đại học với những điều kiện nhằm có được tác động xã hội mà không xuất phát từ những đánh giá học thuật độc lập".

Ông nhấn mạnh, ĐH Oxford, trái ngược với tất cả các trường đại học khác, lựa chọn sinh viên của mình dựa vào năng lực:

“Trong khi các trường đại học khác có thể áp dụng chính sách xét tuyển khác nhau đối với sinh viên có hoàn cảnh khác nhau, chúng tôi không làm như thế”.

"Chúng ta cần nhận thức được một sự thật rõ ràng rằng không một trường học nào có thể tạo ra công bằng trong một đất nước mà các chính sách của chính phủ đang ngày càng gia tăng bất công trong xã hội", Robin Briggs, giáo sư trường đại học All Souls nói.

Số lượng học sinh từ trường công được nhận vào Oxford tăng 73% trong thập kỉ vừa qua trong khi học sinh trường tư tăng 31%.

Thứ 6 tuần trước, ĐH Oxford công bố chỉ có 41.5% lời mời của nhà trường dành cho các ứng cử viên trường tư, còn lại là các trường công lập.

Tuy nhiên, một số thành viên ủng hộ cải cách của chính phủ cho rằng thông tin trên không xác thực.

"Chúng ta cần dừng việc lừa bịp chính mình, che mắt người khác và thừa nhận rằng nhiều em học sinh đến từ các trường công lập, thực tế là trường chọn, hoạt động không phải dựa trên chính sách nhân tài đơn thuần mà là chính sách khai trừ hoặc ưu tiên xã hội, văn hóa." Giáo sư Rowan Tomlinson, Trường New College nói.

Phát ngôn viên của Oxford cho rằng yêu cầu hạ tiêu chuẩn đầu vào đối với sinh viên thiệt thòi là một kiến nghị không thực tế.

"Hàng năm, chúng tôi chỉ tuyển 3.200 sinh viên và phải loại bỏ hàng nghìn em đạt AAA- trình độ A", cô cho biết - "Bởi vậy, chính sách ưu tiên nên là thu hút sinh viên với nhiều hoàn cảnh khác nhau, những người có số điểm cao nhất và cung cấp cho họ thông tin về quy trình tuyển chọn để họ có cơ hội thể hiện hết khả năng của mình".

  • Lưu Ly (Theo Guardian)