Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi. Nêu ý kiến hoàn thiện dự luật, nhiều đại biểu quan tâm đến chất lượng dịch vụ khám và cấp thuốc bảo hiểm y tế (BHYT).
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, cử tri rất bức xúc, khó chịu với dịch vụ BHYT hiện nay vì còn rất nhiều bất cập, phức tạp.
“Đi khám theo BHYT phải chờ đợi đã mệt mỏi rồi nhưng chất lượng thuốc thì chán lắm. Nhiều người quyết định vào bệnh viện bên ngoài khám cho nhanh, chất lượng lại tốt hơn”, ông Tạ Văn Hạ chia sẻ.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết, bản thân ông đã đi tìm hiểu vì sao chất lượng thuốc lại chán đến vậy, thì được biết có liên quan đến định mức khám bảo hiểm. Trong đó, có loại thuốc được thanh toán, có loại thì không.
“Cử tri bức xúc vì đã bỏ tiền tham gia BHYT nhưng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói và mong muốn trong lần sửa đổi này, luật phải nâng cao tính công khai, minh bạch, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm.
Ngoài ra, đại biểu Tạ Văn Hạ còn cho rằng phải tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác tham gia vào thị trường BHYT. Như vậy mới có sự cạnh tranh, người dân được quyền lựa chọn dịch vụ BHYT.
Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho biết, cử tri rất quan tâm đến việc khám, chữa bệnh BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi bệnh viện không có thì sẽ được thanh toán như thế nào.
Theo đại biểu, trước khi trình Quốc hội dự luật này, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22 có hiệu lực từ 1/1/2025, để giải quyết vấn đề thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh.
“Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tôi nhận thấy thông tư này không giải quyết được vướng mắc trên. Bên cạnh đó các điều kiện, hồ sơ, thủ tục thanh toán BHYT được quy định tại thông tư cũng có nhiều vướng mắc, khó thực hiện”, đại biểu Cường nói.
Do vậy, đại biểu Cường đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định thanh toán cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài.
Cùng nội dung trên, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho biết, tình trạng thiếu hụt thuốc, vật tư y tế khiến nhiều bệnh nhân BHYT phải tự mua, ảnh hưởng tới quyền lợi, tài chính của người bệnh.
Ông Bình đề xuất bổ sung vào dự thảo luật là cơ sở khám, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư y tế cần thiết cho người bệnh BHYT. Nếu người bệnh phải mua ngoài, cơ sở y tế có trách nhiệm hoàn trả chi phí trước khi bệnh nhân xuất viện.
“Quy định này giúp đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân BHYT ngay tại cơ sở y tế, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý chi phí”, đại biểu đoàn Trà Vinh nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Phó trưởng Ban Dân nguyện nêu thực tế dự luật quy định chỉ một số nhóm đối tượng có thẻ BHYT mới được thanh toán chi phí vận chuyển trong trường hợp cấp cứu hoặc chuyển viện. Điều này gây ra sự thiếu công bằng cho các đối tượng còn lại.
Một sự bất hợp lý nữa là quỹ BHYT cũng chưa chi trả cho dịch vụ cấp cứu ngoại viện, trong khi cấp cứu ngoại viện đã được quy định tại Luật Khám chữa bệnh.
“Đây là nhu cầu cấp thiết và quan trọng, giúp can thiệp kịp thời và cứu sống người bệnh trong những tình huống khẩn cấp”, đại biểu Hà nói và nhấn mạnh việc cấp cứu trong “thời điểm vàng” giúp giảm nguy cơ biến chứng, chuyển nặng ở bệnh nhân, giúp tiết kiệm chi phí điều trị và giảm gánh nặng cho quỹ BHYT.
Theo đó, đại biểu đề nghị mọi đối tượng có thẻ BHYT đều được thanh toán chi phí trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo người có thẻ BHYT được hưởng các quyền lợi công bằng, không phân biệt; đề nghị bổ sung quy định thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện.