Kịch cà phê nói nôm na là kịch diễn trong quán cà phê, thực khách vừa nhấm nháp thức uống vừa xem kịch.

Cảnh trong vở Hành trình tình yêu của nhóm kịch Up diễn tại một quán cà phê trên đường Tôn Thất Tùng, Q.1, TP.HCM .

Một buổi tối ở con hẻm số 57F Tú Xương, gần kề quán cà phê Bệt có một nhóm kịch cà phê khác cũng đang hoạt động là nhóm Up. Khách đến gọi nước uống chi khoảng 80.000 đồng, kể cả tiền phụ thu. Một bục sân khấu nhỏ, không cảnh trí, diễn viên diễn một vở kịch phóng tác từ một bộ phim nước ngoài. “Đầu tư” của nhóm Up là ba cây đèn sân khấu nhỏ với một cái máy phun khói. Vậy là diễn.

Sân khấu kịch cà phê đơn giản và “du mục” như vậy. Sân khấu, đạo cụ “tiết kiệm” tối đa, chỉ tự biên tự diễn. Quán nào gọi ở đâu thì diễn ở đó. Mỗi vở diễn dài độ một tiếng rưỡi đến hai tiếng như một vở kịch dài, đủ hình thức hài, bi, kinh dị... Trước mỗi buổi diễn, các diễn viễn trẻ cũng thắp nhang lạy bàn thờ tổ. Và nếu khán giả đã từng coi kịch cà phê sẽ thấy các diễn viên trẻ diễn với cảm xúc từ trái tim. Kịch cà phê với họ hôm nay là nơi để sống với đam mê, được làm nghề, nhưng chưa thể nói là nơi nuôi sống.

Thù lao chỉ đủ... tiền xăng

Bá Hưng - trưởng nhóm kịch Up, cho biết lúc đầu nhóm đi diễn thì thù lao được tính bằng khoản phụ thu 20.000 đồng cho mỗi thức uống. Giờ đây, nhóm được nhiều nơi mời, thù lao trọn gói một đêm khoảng 1.200.000 đồng. Nếu diễn ở Biên Hòa hoặc nơi xa hơn thì thù lao được gấp đôi, gấp ba. Kịch cà phê là kịch không có ngôi sao vì đa số diễn viên trẻ mới ra trường nên thù lao cũng cào bằng. Mỗi đêm diễn, mỗi diễn viên được khoảng 150.000 đồng, bất luận cao thấp, chính phụ. Nói về khoản thù lao này Bá Hưng kết luận: “Cũng chưa ổn lắm nhưng đỡ hơn ban đầu. Chưa sống được nhưng cũng không sợ bù lỗ”.

Thù lao của nhóm kịch Đời, kịch Tâm Ngọc hay những nhóm kịch khác cũng khoảng 150.000 đồng cho mỗi diễn viên. Nói như Hồng Trang - trưởng nhóm kịch Đời, thì thù lao đó chỉ đủ trả tiền xăng. Tuy nhiên, các diễn viên trẻ cũng xác định rằng kịch cà phê là nơi để được diễn, được thăng hoa với những gì mà họ được đào tạo. Còn để kiếm sống, họ làm những công việc khác như đóng phim truyền hình, tấu hài, bán shop... Mỗi đêm đứng trên bục diễn, họ lại tràn trề những cảm xúc với vai diễn.

Khả Như - một diễn viên của nhóm Up, tâm sự: “Công việc chính của em vẫn là đóng phim truyền hình, còn diễn kịch thế này là để em cảm thấy “đã” với nghề. Phim là đời, nhưng chỉ có đứng trên sân khấu em mới có được những cảm xúc thăng hoa, được cháy hết mình”.

Còn diễn viên trẻ Huỳnh Phương của kịch Tâm Ngọc ban ngày đi bán shop, ban đêm đi diễn để nuôi đam mê. Phương kể về công việc của mình: “Em học diễn xuất ở sân khấu cô Hồng Vân hai năm, những diễn viên như em có được giao vai cũng chỉ là vai rất nhỏ, mà cũng hên xui lắm. Em về kịch Tâm Ngọc, ban ngày đi bán shop, ban đêm diễn. Nếu ai đó nhận ra em đi diễn mà bán shop thì em cũng vui thôi. Những diễn viên nổi tiếng nói với em rằng lúc đầu họ cũng khó khăn, phải đi lên từ từ...”.

Sẻ chia sự ấm cúng

Kịch cà phê thường ở không gian nhỏ, khoảng 60 khán giả trở xuống. Vậy sự hấp dẫn của mô hình này với khán giả là gì? Nhiều khán giả cho biết họ thích sự ấm cúng, gần gũi với diễn viên, không gian thoải mái.

Còn diễn viên thì thích sự tương tác trực tiếp với khán giả. Những cảm xúc khóc, cười trên sân khấu họ cảm nhận ở khán giả ngồi dưới rất rõ. Hồng Trang của nhóm kịch Đời nói: “Nếu diễn viên khóc trên này mà nhìn xuống dưới thấy khán giả khóc theo thì dù nước mắt rơi nhưng trong bụng... thích lắm!”.

Vì sự gần gũi đó, nói diễn viên kịch cà phê phải diễn bằng trái tim cũng không quá. Bởi vì nếu diễn viên diễn “giả” một chút, khán giả sẽ nhận ra ngay. Một buổi tối, Hồng Trang của nhóm kịch Đời đang diễn vai giả trai ở cà phê BW (Thủ Đức), khán giả la ầm lên: “Đàn ông mà mang giày búp bê à?”. Thế là Hồng Trang với bạn diễn cuống quýt rút đôi giày giấu không kịp!

Về khán giả, cà phê Bệt giờ đây đã có một lượng công chúng riêng. Phạm Vũ Kiên của kịch Tâm Ngọc kể có khán giả lớn tuổi khi xem xong bỏ phong bì cho các diễn viên rồi nói: “Nhìn các cháu diễn thấy thương quá!”. Nhóm kịch Đời có những “khán giả trung thành” ở Gò Vấp, nghe nhóm diễn ở chỗ nào là tới xem ủng hộ. Ở cà phê House of Juliet trước đây cũng có một gia đình luôn đặt chỗ sẵn mỗi cuối tuần để đi xem kịch. Những tình cảm đó của khán giả khiến các nhóm kịch như có thêm động lực.

Đường dài bấp bênh

Tuy nhiên, tương lai của kịch cà phê cũng rất bấp bênh. Có ý kiến cho rằng mô hình này dễ hợp, dễ tan cũng phần nào đúng vì thành phần chủ lực là những người trẻ sống với đam mê mà chưa vướng bận nhiều chuyện cơm áo gạo tiền. Kịch cà phê có những lo âu như nhiều nhóm ra thì loại hình này sẽ bão hòa. Hay các chủ quán chỉ quen kinh doanh âm nhạc, còn mô hình kịch chỉ mới thử nghiệm, thăm dò khán giả, liệu đường dài họ có giữ kịch không? Những quán mà những nhóm kịch hay diễn như Icafe, Ngố, House of Juliet, Alpes, BW, Dạ Thảo... có quán đã đóng cửa hoặc có quán đổi chủ. Mỗi lần đổi chủ như vậy là vơi đi một lượng khán giả. Một nỗi lo khác là chuyện... phúc khảo. Những nhóm được chủ quán bỏ tiền phúc khảo thì ổn, nhưng quán cũng độc quyền vở kịch đó. Còn những nhóm “du mục” nếu tự bỏ tiền phúc khảo thì kéo theo thù lao tăng cao, như vậy các quán cũng ngại mời...!

Dù khó khăn là vậy, Phạm Vũ Kiên của kịch Tâm Ngọc vẫn nuôi ước mơ nhóm sẽ trụ được, ổn định như kịch cà phê Bệt. Còn Bá Hưng của kịch Up cho biết các thành viên trong nhóm rất yêu nhóm mình. Họ hi vọng trong ba năm sẽ có một điểm diễn cố định.

Tuổi trẻ luôn mang nhiều ước mơ, kịch cà phê cũng là một hướng đi năng động của những diễn viên trẻ. Những gì mà kịch cà  phê đang làm, trong một ý nghĩa nào đó, cũng đang làm phong phú thêm đời sống giải trí của người dân Sài thành, góp phần đưa nghệ thuật sân khấu kịch đến với công chúng ngày một gần gũi hơn.

Chưa phải là hướng đi, nhưng là lối thoát

Tôi đi xem kịch cà phê, ngồi gần và cảm thấy rất thích. Các bạn diễn viên diễn giỏi quá, tinh tế nữa. Tôi nghĩ mô hình này là do các nhà hát chuyên nghiệp đang bị thu hẹp, trong khi các diễn viên trẻ ra trường hằng năm thì bức bối tìm đất diễn. Cho nên kịch cà phê chưa phải là hướng đi nhưng cũng là lối thoát. Bản thân tôi có nỗi trăn trở: giá như chúng ta có nhiều sân khấu, điểm diễn hơn... để có thể tận dụng những diễn viên như vậy!

Nghệ sĩ XUÂN HƯƠNG


Theo Tuổi trẻ