- Vừa đẩy xe thồ rau xanh đi bán rong kiếm sống, vừa tranh thủ xin cơm thừa canh cặn tại các ngõ phố ở Hà Nội, vậy mà sau 10 năm, bà Nguyễn Thị Lương đã có trong tay khoản tiền 700 triệu đồng nhờ vào việc gom nhặt nước rác của mình.

Nhà bà Lương ở Thường Tín (Hà Nội), chồng làm bảo vệ cho một khu chung cư ở nội thành với mức lương 5 triệu đồng/tháng, đủ để nuôi các con ăn học. Bà không có nghề nghiệp gì ổn định. Hàng ngày, bà đẩy xe thồ rau xanh bán tại một số tuyến phố ở khu vực Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), kiếm ít tiền sinh hoạt phí cho gia đình.

Bà Lương kể đã theo chiếc xe thồ bán rau rong 11 năm nay. Năm đầu đi bán, bà đẩy xe đi khắp các ngõ phố, mời chào từng nhà. Khi đó, thỉnh thoảng, gặp túi cơm nguội mà các hộ dân treo trên tường hay bỏ ngay ở đống rác, bà tiếc nhặt về cho đàn gà ăn. Có hôm nhặt được nhiều, gà ăn không hết, bà tiếc công lại đem cơm phơi khô, tích vào bao tải để chúng ăn dần.

{keywords}
Khi đi bán rau, bà Lương chịu khó gom nhặt cơm thừa về nuôi gà vịt ở nhà

Được một thời gian, thấy cơm thừa người dân bỏ đi nhiều vô kể, có hôm chỉ đi một ngõ đã nhặt được khoảng 5kg cơm nguội, bà nghĩ số cơm này đủ nuôi cả đàn lợn chứ không chỉ vài chục con gà.

Nghĩ vậy, bà đánh liều mua 4 chú lợn con, cho ăn bằng bằng cơm thừa canh cặn hàng ngày nhặt về. Trước khi cho lợn ăn, bà nấu lại thành cháo, đến bữa bỏ ra trộn với rau xanh.

Ban đầu lợn nhỏ nên bà chỉ nhặt cơm nguội, sau chúng lớn hơn cần nhiều thức ăn nên bà Lương nhặt cả gốc rau, xin thêm cơm thừa canh cặn ở các quán ăn vỉa hè. Bà dặn các gia đình là khách quen mua rau, nếu có thức ăn thừa, có gốc rau bỏ đi thì cho vào túi nilon treo ngoài cửa giúp để xin về cho lợn ăn vì bỏ đi cũng phí, trong khi bà lại đang cần.

Kết quả, sau 6 tháng, 4 chú lợn được xuất chuồng với trọng lượng trung bình 1 tạ/con. Đáng chú ý, đàn lợn đó bà không mất một đồng cám bã nào, chỉ phải bỏ ra tiền mua lợn giống và tiêm phòng vacxin lúc nhỏ.

“Khi ấy tôi xuất cho lái buôn giá khoảng 50.000 đồng/kg lợn hơi thì phải, nên tôi thu được gần 20 triệu”, bà Lương khoe. Thành công ở lứa lợn đầu, bà bắt tay vào nuôi lứa tiếp theo cũng với 4 con. 6 tháng sau, lợn lại được xuất chuồng.

Cứ thế trong suốt 2 năm, bà xuất chuồng 4 lứa lợn. Song, thời điểm lúc bấy giờ, bà đều bán lợn cho thương lái chứ không biết xé lẻ ra bán buôn. Tiền thu được bà gửi hết vào ngân hàng lấy lãi, bởi riêng tiền bán rau cũng đủ nuôi cả gia đình.

Đến năm thứ 3, bà nuôi tăng đàn lên 5 con/lứa vì lượng cơm thừa, canh cặn bà xin và nhặt được vẫn dư thừa. Lần này, đến lúc xuất chuồng, thay vì bán cho thương lái, bà bán cho người dân ngay trong thôn. Cứ vài gia đình gom tiền mua một con lợn của bà, bà nhận giết thịt hộ. Bởi, khi ấy, thực phẩm bẩn bắt đầu xuất hiện tràn lan, nhiều gia đình muốn ăn thịt sạch, trong khi lợn nhà bà nuôi toàn bằng cơm nên mọi người thích và trả giá rất cao.

{keywords}
Những túi cơm thừa, canh cặn tưởng chừng chẳng đáng gì lại có thể đem về nguồn thu lớn

“Tôi bán cho lái buôn giá chỉ 50.000 là cao nhất, nhưng bán cho người dân được 80.000 đồng/kg. Tôi chỉ mất công giết thịt và làm lòng hộ họ thôi. Nhưng bán được giá cao ai cũng thích dù có vất vả hơn chút”. Theo bà Lương, đều đặn 1 năm bà nuôi được 2 lứa lợn, mỗi lứa nuôi 5 con, lúc xuất chuồng thu được tiền bà lại đem gửi ngân hàng lấy lãi.

Hai năm đầu nuôi ít, bán giá rẻ nên bà chỉ thu được 80 triệu đồng. Từ năm thứ ba, bà nuôi tăng số lượng lên 5 con nên mỗi năm bà đã bỏ túi khoảng 70 triệu.

Chăn nuôi có lúc được, lúc mất, không phải lứa lợn nào nuôi 5 con cũng thu được cả 5 con. Có lứa lợn bệnh chết, đến lúc bán chỉ còn được 4 con; lứa khác lợn bị ốm bỏ ăn, chậm lớn nên trọng lượng nuôi trong vòng 6 tháng chỉ đạt khoảng 80kg; song, có lứa mát tay nuôi lớn nhanh, lợn xuất chuồng còn được hơn 1 tạ. Thế nên, cứ chia trung bình mỗi năm bà Lương thu được khoảng 70 triệu đồng.

Kiên trì trong vòng 10 năm liền, cứ sáng sớm đạp xe từ Thường Tín vào nội thành rồi đẩy xe thồ rau bán rong khắp ngõ phố ở Hà Nội, đẩy xe đến đâu bà tranh thủ xin cơm thừa canh cặn đến đó. Tầm 3 giờ chiều rau bán hết, xe thồ của bà cũng buộc đầy túi lớn túi nhỏ gốc rau xanh, cơm nguội, bún bánh,... đủ thể loại rồi lại đạp xe về nhà.

Kết quả, đến nay, bà có trong tay quyển sổ tiết kiệm 700 triệu đồng. “Tiền bán lợn cộng vào thì không được nhiều thế, nhưng tôi đem gửi ngân hàng, lãi cộng dồn luôn vào nên số tiền cũng tăng lên nhanh chóng”, bà cho hay. Số tiền này bà dự định để dành góp cho con mua căn hộ khi lập gia đình.

Lưu Minh