1. Địa danh Bom Bo trong bài hát ‘Tiếng chày trên sóc Bom Bo’ hiện ở tỉnh nào?

  • Bình Thuận
  • Bình Phước
  • Lâm Đồng
  • Bình Dương
Chính xác

Sóc Bom Bo nay là thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Theo “Địa chí Bình Phước”, vào những năm 1962-1963, quân đội Mỹ liên tục càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược hòng tiêu diệt cách mạng, cắt đứt liên hệ của người dân với cách mạng. Cả sóc Bom Bo kiên quyết không vào ấp chiến lược.

Đến giữa năm 1963, khi địch vây bắt và khủng bố gắt gao già trẻ, gái trai của vài chục hộ dân sóc Bom Bo đã lặng lẽ băng rừng vào căn cứ Nửa Lon, bên dòng suối Đăk Nhau và Đăk Liêng để lập ra sóc mới cũng mang tên Bom Bo.

Sau khi đất nước được thống nhất, người dân Bom Bo lại rời căn cứ kháng chiến, trở về sóc cũ. Chính quyền địa phương sau đó thành lập xã mới mang tên Bom Bo, còn sóc Bom Bo lấy tên là thôn 1. Năm 2008, do thôn 1 cách xa các thôn khác nên địa phương quyết định chuyển thôn khỏi xã Bom Bo, về địa bàn quản lý của xã Bình Minh.

Phải đến năm 2012, do địa danh sóc Bom Bo đã trở nên quen thuộc và gần gũi, tỉnh Bình Phước và huyện Bù Đăng lại quyết định đổi tên thôn 1 trở lại thành thôn Bom Bo.

2. Sóc Bom Bo từng là nơi tiếp tế lương thực cho bộ đội tham gia chiến dịch nào?

  • Ba Gia
  • Đồng Xoài - Phước Long
  • Đắc Tô
  • Bình Giã
Chính xác

Khi Mỹ thực hiện chiến lược Chiến tranh đặc biệt (1961-1965) ở miền Nam, chúng dồn dân, lập ấp chiến lược, thực hiện nhiều chế độ tàn ác. Khi ấy, người dân Bom Bo chung sức, đồng lòng, kiên trung với cách mạng. Thanh niên vào bộ đội, du kích, làm giao liên; phụ nữ tăng gia sản xuất, đêm đêm giã gạo nuôi quân. Sóc Bom Bo trở thành nơi tiếp tế lương thực cho bộ đội tham gia chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long. Có thời điểm chỉ trong ba ngày đêm, bà con sóc Bom Bo đã giã xong 5 tấn gạo để tiếp tế cho bộ đội.

Khí thế ấy là nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” vào năm 1966 như một chứng minh lịch sử kể về người dân Bom Bo chân chất, nghĩa tình và rất anh hùng.

3. Đồng Xoài hiện nay là đơn vị hành chính nào của tỉnh Bình Phước?

  • Huyện
  • Thị xã
  • Thành phố
Chính xác

Trước năm 2018, Đồng Xoài là thị xã của tỉnh Bình Phước. Sau đó, Đồng Xoài lên thành phố trên cơ sở toàn bộ hơn 167km2 diện tích tự nhiên và hơn 150.000 người của thị xã Đồng Xoài. Hiện nay Đồng Xoài là đầu mối giao thông đường bộ huyết mạch, nối liền Tây Nguyên với TP.HCM.

Đồng Xoài được xem là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Đây cũng là địa bàn chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây đã ghi dấu nhiều chiến công vang dội của quân và dân ta, trong đó có chiến thắng Đồng Xoài (9/6/1965) đánh dấu trang sử vẻ vang trong lịch sử dân tộc.

4. Bom Bo là nơi sinh sống chủ yếu của dân tộc nào?

  • Hrê
  • S’tiêng
  • Kơ Ho
  • Khơ mú
Chính xác

Theo thống kê, thôn Bom Bo có khoảng 2.000 nhân khẩu, trong đó 96% là dân tộc thiểu số, hầu hết là đồng bào S’tiêng.

Bom Bo giờ đây đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của Bình Phước, trong đó Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo trưng bày truyền thống văn hóa, lịch sử của đồng bào S’tiêng và nhiều hiện vật, hình ảnh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Khu bảo tồn cũng được thiết kế theo đặc thù của văn hóa đồng bào S’tiêng, gồm 2 nhà dài, khu làng nghề truyền thống tái hiện các ngành nghề thủ công của đồng bào như dệt, rèn...

5. Sóc Bom Bo có bộ nhạc cụ gì lớn nhất Việt Nam?

  • Cồng chiêng
  • Đàn T’rưng
  • Đàn đá
  • Đàn Goong
Chính xác

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo có bộ đàn đá nặng và lớn nhất Việt Nam hiện nay với 20 tấn. Bộ đàn đá này hợp thành với 20 thanh, trong đó thanh nhẹ nhất 250kg, thanh nặng nhất 400kg. Để diễn tấu bộ đàn đá độc đáo này phải có 4 người đánh cùng lúc. Ngoài bộ đàn đá nặng 20 tấn, tại Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo còn có bộ cồng chiêng nặng hơn 3,5 tấn.