Trong 2 ngày (14 – 15/12), UBND xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã tổ chức tập huấn chuyển đổi số mô hình “Thôn thông minh” năm 2023 tại thôn Hòa Trung.

Đây là địa phương đầu tiên của Quảng Nam được triển khai tập huấn “Thôn thông minh”.

anh 1 ttm.jpeg
Người dân được hướng dẫn về chuyển đổi số.

Cụ thể, trong thời gian trên, Tổ công nghệ cộng đồng, các cán bộ thôn và đảng viên chi bộ hội đoàn thể, đại diện các hộ gia đình có điện thoại thông minh sẽ được giới thiệu các thiết bị thông dụng (máy tính bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh…); hướng dẫn lắp đặt, mở máy, tắt máy, tạo và mở, lưu trữ thư mục, thông tin; vào các trang website, khai thác thông tin trên mạng.

Chỉ tận tay cho người dân

Người hướng dẫn buổi tập huấn, bà Quỳnh Lâm – chuyên viên văn phòng TP cho biết, buổi tập huấn sẽ hướng dẫn làm quen với word, đánh văn bản, soạn thảo văn bản hành chính; thực hiện các thao tác sao chép văn bản, bố cục, định dạng văn bản hành chính, lập và gửi nhận văn bản qua thư điện tử gmail; hướng dẫn và thực hành làm quen với excel, tạo nhập dữ liệu và định dạng bản tính; kỹ năng in ấn văn bản.

Hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm, tương tác trên môi trường mạng; hướng dẫn xử lý một số sự cố thường gặp…

anh 2 ttm.jpeg
Lớp tập huấn được diễn ra trong 2 ngày 14-15/12.

“Ngoài nội dung của mô hình thôn thông minh, thành phố Tam Kỳ còn hướng đến tập huấn cho người dân tự nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến và người dân hỗ trợ người dân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến thay cho các mô hình cán bộ công chức, đoàn thanh niên, tổ công nghệ cộng đồng hỗ trợ người dân. Qua đó, giúp người dân nâng cao kỹ năng, tăng cường tính chủ động, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư liên quan đến công tác chuyển đổi số trên địa bàn…”, bà Lâm cho biết.

anh 3 tmt.jpeg
Rất đông cán bộ, người dân đến tham gia buổi tập huấn.

Những người tham gia lớp tập huấn còn được phổ biến tổng quan về chuyển đổi số; vai trò, tầm quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và chuyển đổi số.

Cùng với đó, các học viên còn được trang bị kỹ năng cần thiết để bảo đảm an ninh an toàn thông tin và bảo vệ bí mật trên không gian mạng; các tình huống thực tế mất an toàn thông tin.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, để đạt được mô hình “thôn thông minh”, địa phương cần đạt các yêu cầu cụ thể:

1. Về thiết chế, hạ tầng

- Thôn có hạ tầng internet cáp quang và thông tin di động 3G/4G phủ đến hộ gia đình.

- Nhà văn hóa thôn có wifi (wifi được duy trì thường xuyên) để phục vụ miễn phí cho nhân dân khai thác các thông tin hữu ích qua mạng phục vụ sản xuất và đời sống.

- 100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích trên địa bàn thôn được thông báo, gắn biển địa chỉ số đến từng điểm địa chỉ (thực hiện đánh giá khi có hướng dẫn chi tiết của Bộ Thông tin và Truyền thông). 

- Có hệ thống camera an ninh thôn ở trung tâm thôn, các điểm trọng yếu tại khu dân cư tập trung kết nối với công an xã, Ban Nhân dân thôn.

- Có máy vi tính, máy in kết nối mạng để phục vụ các hoạt động của Ban Nhân dân thôn.

2. Về con người

- Thôn có tổ công nghệ cộng đồng được thành lập và hoạt động hiệu quả theo quy định.

- Ban Nhân dân thôn có ứng dụng các nền tảng số (như zalo, messenger, facebook….) để thông tin, tuyên truyền đến người dân trong thôn.

- Thôn có tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động có thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, có cài đặt và sử dụng các phần mềm, nền tảng số (như thanh toán trực tuyến, smart Quảng Nam, sức khỏe điện tử và các ứng dụng hữu ích liên quan khác) đạt ít nhất 90%.

- Ban Nhân dân thôn, tổ công nghệ cộng đồng được tập huấn các nội dung về chuyển đổi số.