Tại buổi Toạ đàm “Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh” sáng ngày 11/10 do báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, sân bay nhỏ nếu được đầu tư sẽ mang lại cơ hội tiếp cận, mở đường cho sự phát triển của các địa phương. Việc kết nối hàng không thuận tiện sẽ tạo điều kiện cho địa phương khai phá tiềm năng phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, để phát triển sân bay hiệu quả, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm rõ, khái niệm thế nào là sân bay nhỏ vì muốn định vị chính sách thì phải định nghĩa rõ ràng; phương thức đầu tư do Nhà nước, tư nhân hay hợp tác công-tư (PPP)… Cũng theo ông Vịnh, nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia vào lĩnh vực này.
Theo ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thời gian qua các địa phương liên tục xin bổ sung vào quy hoạch và triển khai đầu tư các sân bay lưỡng dụng, quy mô nhỏ. Đây là nhu cầu có thực, khác xa kiểu đầu tư theo phong trào trong giai đoạn trước đây. Việc có sân bay sẽ giúp các địa phương đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông mở nhanh cánh cửa với khu vực và thế giới.
Khẳng định phát triển sân bay là nhu cầu chính đáng, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho hay, về trung hạn kết nối về hàng không là khả thi nhất, hiệu quả nhất trong khi vốn đầu tư ít hơn đường bộ.
Ưu tiên vùng sâu, vùng xa có tiềm năng du lịch
Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, đề xuất của các địa phương là chính đáng. Còn việc có quyết định hay không phải có nghiên cứu khoa học. Các địa phương cũng cần tính toán thực chất, kỹ càng bài toán phát triển sân bay.
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, Quy hoạch mạng lưới cảng hàng không rất quan trọng, bởi nếu quy hoạch không hợp lý thì sẽ thành điểm nghẽn để địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy, quy hoạch nên mở theo vùng miền, không nên định vị chốt chắc chắn con số 28 hay 30 sân bay. Quá trình điều chỉnh quy hoạch có thể lên 35-36 sân bay và cũng không nên cứng nhắc địa phương này làm năm nay, địa phương kia làm năm sau.
Đầu tuần trước, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - CTCP (đơn vị tư vấn lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050) rà soát, chuẩn bị báo cáo đánh giá chi tiết khả năng hình thành cảng hàng không mới tại các địa phương.
Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - CTCP (TEDI) cho biết, ngoài cảng hàng không do UBND các tỉnh Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Kon Tum, Khánh Hòa, Sơn La đề xuất, được Chính phủ chỉ đạo xem xét, xử lý, TEDI cũng tiến hành rà soát khả năng bổ sung vào quy hoạch một số sân bay như Tân Quang (Hà Giang), Quân Bình (Bắc Kạn), Gò Găng (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Đây là các sân bay hoàn toàn mới, quy mô nhỏ, với diện tích 300 - 500 ha, công suất 1 - 2 triệu lượt khách/năm, nằm ngoài hệ thống 28 cảng hàng không đang được Bộ GTVT đưa vào quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 và hệ thống 31 cảng hàng không tầm nhìn đến năm 2050.
Khi trình Dự thảo Quy hoạch hệ thống cảng hàng không lần đầu vào tháng 4/2022, Bộ GTVT đã liệt kê 6 tiêu chí quan trọng để 1 sân bay có thể được đưa vào quy hoạch, gồm sản lượng hàng hóa; nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nhu cầu đảm bảo quốc phòng - an ninh; nhu cầu đáp ứng hoạt động khẩn nguy, cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không…); cự ly tiếp cận (100km đối với sân bay đồng bằng và 200km với sân bay miền núi).
Theo Bộ GTVT, các tiêu chí trên nhằm giúp giảm gánh nặng từ ngân sách nhà nước do có rất ít cảng hàng không mới được xây dựng trong thời gian vừa qua được đầu tư bằng 100% vốn tư nhân.
Theo ông Sơn, quan điểm của tư vấn là, nếu các cảng hàng không mới không có xung đột về vùng trời và có doanh nghiệp cam kết bỏ 100% vốn đầu tư, thì có thể xem xét, bổ sung vào quy hoạch.
Đại diện TEDI cho hay, sẽ ưu tiên các địa phương vùng sâu, vùng xa, hải đảo hoặc có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Hiện nay, kinh tế phát triển rất nhanh, nên quy hoạch hàng không cũng cần có tính động, tính mở để tạo dư địa cho các địa phương chủ động kêu gọi phát triển hạ tầng thiết yếu.
Theo đại diện TEDI, phần lớn kiến nghị bổ sung sân bay vào quy hoạch của các địa phương đều có tính hợp lý nhất định, mà rõ nhất là trường hợp của Hà Giang. Trong bối cảnh việc đầu tư các tuyến cao tốc kết nối địa phương này với Thủ đô có chi phí đầu tư rất lớn, thời gian xây dựng có thể kéo dài cả chục năm, thì việc đầu tư một sân bay có quy mô hợp lý với chi phí chỉ bằng vài chục cây số đường cao tốc có thể mang lại cú hích rất lớn trong thu hút đầu tư, đánh thức các tiềm năng, lợi thế du lịch.