1. Địa phương này là?

  • Thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng
  • Huyện Thới Lai, Cần Thơ
  • Huyện Năm Căn, Cà Mau
  • Thị xã Bến Cát, Bình Dương
Chính xác

Thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng là địa phương trồng hành tím nhiều nhất ở khu vực Tây Nam Bộ, với diện tích hơn 6.500 ha, cho sản lượng hơn 100.000 tấn/năm. Hành tím tại đây có vỏ ngoài màu tím hoặc đỏ nhạt, thịt trắng và vị cay nhẹ, được nhiều người ưa chuộng.

2. Nghề trồng hành tím tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân, nhưng lại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh gì?

  • Bệnh về hô hấp
  • Bệnh về mắt
  • Bệnh về tiêu hóa
  • Bệnh truyền nhiễm
Chính xác

Vào năm 2014, thống kê dịch tễ cho thấy tỷ lệ người mù và người mắc bệnh về mắt tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng tăng cao bất thường.

Cụ thể, tỷ lệ mù ít nhất 1 mắt là 6 người/1.000 dân, riêng tại phường 2 và xã Vĩnh Hải tỷ lệ là 11 người/1.000 dân, cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 5 người/1.000 dân.

Bộ Y tế sau đó đã giao nhiệm vụ cho Viện Y tế công cộng TP.HCM nghiên cứu tình hình dịch tễ học các bệnh về mắt tại thị xã Vĩnh Châu để tìm nguyên nhân và cách khắc phục.

Kết quả cho thấy, đây không phải bệnh truyền nhiễm, cũng không phải do các chất trong củ hành tím hay thuốc bảo vệ thực vật. Nguyên nhân chính đến từ vấn đề vệ sinh lao động trong quá trình chế biến hành.

Công đoạn canh tác, cắt hành, làm đất trồng hành không đảm bảo dẫn đến viêm loét giác mạc, từ đó làm tăng nguy cơ gây mù mắt.

3. Tên gọi Sóc Trăng xuất phát từ ngôn ngữ của đồng bào dân tộc nào?

  • Chăm
  • Khmer
  • Ê Đê
  • Cơ Tu
Chính xác

Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của tiếng Khmer tạo thành. Chữ Srok tức là “xứ”, Kh'leang là “kho”, “vựa”, “chỗ chứa bạc”. Srok Kh'leang mang ý nghĩa là xứ có kho chứa bạc của nhà vua.

Tiếng Việt phiên âm Srok Kh'leang thành Sốc-Kha-Lang rồi sau đó đọc thành Sóc Trăng.

Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng được đổi tên thành Nguyệt Giang tỉnh (chữ Sóc biến thành chữ Sông, Trăng thành Nguyệt nên Sóc Trăng biến thành Sông Trăng rồi được đổi thành Nguyệt Giang).

4. Tỉnh Sóc Trăng là đơn vị hành chính được tách ra từ tỉnh nào?

  • Tiền Giang
  • Vĩnh Long
  • Hậu Giang
  • Cần Thơ
Chính xác

Ngày 26/12/1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh Sóc Trăng ngày nay hình thành vào đầu tháng 4/1992 gồm các huyện: Mỹ Tú, Kế Sách, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Long Phú, Vĩnh Châu và thị xã Sóc Trăng.

5. Chợ nổi nào buôn bán nhộn nhịp nhất tỉnh Sóc Trăng?

  • Trà Ôn
  • Ngã Năm
  • Phong Điền
  • Cái Bè
Chính xác

Chợ nổi Ngã Năm thuộc thị xã Ngã Năm, cách thành phố Sóc Trăng khoảng 60km, là giao điểm của năm con sông: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị và Phụng Hiệp. Đây là chợ nổi khá lâu đời và cũng nhộn nhịp nhất Đồng bằng sông Cửu Long.

Nếu như những khu chợ khác thường họp vào lúc trời sáng và nhộn nhịp từ sáng đến trưa, Chợ nổi Ngã Năm lại họp từ lúc 3 đến 4 giờ sáng. Đến khi mặt trời lên cao, khoảng 7 đến 8 giờ sáng, chợ cũng đã gần tàn.

Một đặc điểm thú vị khác tại Chợ nổi Ngã Năm là những cây bẹo quảng cáo. Ở mỗi ghe đều có cây bẹo treo lủng lẳng phía trước. Trên cây bẹo treo thứ gì là ghe đó bán món hàng đó. Điều này giúp du khách và người mua hàng dễ dàng tìm thấy món mình cần giữa một vùng sông nước bao la.