Tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV chiều 19/10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong trả lời báo chí xung quanh việc triển khai Nghị quyết 30 của Quốc hội liên quan đến việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Nhiều nơi có cách hiểu, cách làm khác nhau, gây bức xúc

Ông Phong cho biết, Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Xã hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 30. Sáng 19/10, Ủy ban Xã hội họp trực tuyến thẩm tra toàn bộ nội dung này và đang hoàn thiện để trình Quốc hội.

Qua rà soát, ông Phong cho biết, liên quan đến công tác phòng chống dịch theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành có 4 văn bản; Chính phủ có 5 văn bản, Thủ tướng cũng ban hành 7 văn bản và các bộ ngành liên quan cũng ban hành nhiều văn bản khác.

{keywords}
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong

"Chúng tôi nhận thấy, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 30, Chính phủ hết sức chủ động, linh hoạt áp dụng biện pháp phòng chống dịch Covid-19, mang lại hiệu quả tốt như mong muốn của toàn dân. Trên tinh thần Nghị quyết 30, Quốc hội cho phép Chính phủ thực hiện một số nội dung khác luật, vượt thẩm quyền.

Chính phủ đã khẩn trương ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền và được ủy quyền với trên 100 văn bản liên quan chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

"Việc này tạo nên sự chủ động nhất định nhưng cũng tạo ra một số hệ luỵ. Có những nội dung khác luật, không theo quy định luật có một số vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Chính quyền địa phương các cấp thực hiện phòng chống dịch bệnh ra văn bản theo điều kiện thực tiễn. Có một số việc ràng buộc quyền con người, công dân nên tạo phản ứng nhất định trong xã hội", ông Phong nói.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chắc chắn sẽ có đợt rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống pháp luật để thực thi phòng, chống Covid-19 để xem có vượt quyền, trái quy định, có tạo ra bức xúc xã hội lớn hơn nữa hay không.

"Sau khi rà soát văn bản chúng tôi thấy, đa phần phục vụ đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước để phòng chống dịch, có những quy định ít có lợi cho dân nên tạo ra bức xúc trong dân rất lớn", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nói.

Có dấu hiệu cát cứ, "trên bảo dưới không nghe"

Qua ý kiến thảo luận thẩm tra, đến thời điểm hiện tại, ông Phong cho biết, Chính phủ và bộ ngành chưa đánh giá tổng thể vấn đề liên quan tới hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống dịch Covid-19; chưa xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi bổ sung pháp lệnh, nghị quyết luật liên quan như pháp lệnh bệnh truyền nhiễm, tình trạng khẩn cấp...

Ngoài ra, Chính phủ chưa có đề xuất để sửa và xử lý trong chương trình cả nhiệm kỳ hay từng năm. Các văn bản hướng dẫn trả lời của Trung ương để giải quyết vướng mắc, phát sinh của địa phương vẫn chậm, chưa kịp thời.

"Chính chỗ đó dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất và nhiều nơi có cách hiểu, cách làm khác nhau, gây bức xúc", ông Phong lưu ý.

Bên cạnh đó, một số văn bản hướng dẫn của địa phương chưa được rà soát thận trọng nên vẫn còn sai sót, phải đính chính, thu hồi, sửa đổi bổ sung nhiều lần gây phản cảm.

{keywords}
Chốt kiểm soát người ra vào địa phương thời điểm thực hiện giãn cách

"Ví dụ gần đây nhất một số địa phương dán niêm phong cửa xe không cho mở khi đi ngang địa bàn tỉnh mình; xe đi ngang không cho dừng lại làm những chuyện bình thường khác. Người ta sợ lây dịch nên địa phương có những văn bản như thế. Đó là những vấn đề bất cập", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội dẫn chứng.

Ông Phong cũng nêu thêm, việc phân cấp cho địa phương thời gian qua chưa thật chặt chẽ, thiếu những cơ chế kiểm soát để thực hiện dẫn đến tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu, áp dụng pháp luật không nhất quán, có dấu hiệu cát cứ, thực thi chỉ đạo Trung ương chưa trọn vẹn nên có hiện tượng "trên bảo dưới không nghe". 

Theo ông Phong, nguyên nhân gây ra vấn đề này Chính phủ đã nhận diện rõ, có xác lập giải pháp khắc phục. Trên cơ sở đó, Chính phủ chắc chắn có chiến lược tổng thể phòng chống dịch, đặc biệt thích ứng an toàn với mọi diễn biến của tình hình mới. Bên cạnh đó, vấn đề gì chưa cụ thể hóa thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 30 chắc chắn Chính phủ  sẽ cụ thể hóa, thực thi mang lại hiệu quả tốt nhất để Nghị quyết có giá trị thực tiễn cao nhất.

Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn
Trả lời báo chí về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau khi gửi văn bản đến 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội, đến thời điểm này đã có 54 đoàn và 23 đại biểu gửi đề nghị về vớ 59 nhóm vấn đề đề nghị chất vấn.
Tuy nhiên, quyết định nhóm chất vấn và người trả lời chất vấn thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cụ thể là tất cả các ĐBQH cho ý kiến. 
“Dự kiến khoảng từ 27-28/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi xin ý kiến các đại biểu. Sau khi đại biểu gửi ý kiến về, Thường vụ Quốc hội sẽ họp, quyết định vấn đề nào sẽ đưa ra chất vấn, Bộ trưởng nào sẽ được chất vấn. Còn Thủ tướng đương nhiên sẽ tham gia”, Tổng Thư ký cho hay.
Ông Cường nhắc lại tiêu chí chọn vấn đề chất vấn như những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước, được nhiều đại biểu, cử tri quan tâm; không chất vấn những nội dung đã có trong nghị quyết chất vấn và nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội trong thời gian 12 tháng…
“Đến thời điểm này chưa nói được chủ đề gì, ai sẽ trả lời chất vấn”, Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Thu Hằng

Những dấu ấn sau kiện toàn nhân sự của Quốc hội

Những dấu ấn sau kiện toàn nhân sự của Quốc hội

Chỉ trong vòng 3 tháng sau khi kiện toàn nhân sự, hàng loạt quyết sách quan trọng đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua với những quy định chưa từng có tiền lệ.