Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến trung bình 4 tháng đầu năm mới đạt gần 25%

Trong báo cáo chuyên đề mới thực hiện về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Bộ TT&TT đã một lần nữa nhấn mạnh quan điểm: Chính phủ số phải lấy người dân làm trung tâm; sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ chính là thước đo hiệu quả của chính phủ số.

Thực hiện định hướng phát triển chính phủ số, chuyển đổi số, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực cung cấp các dịch vụ số, đặc biệt là các DVCTT mức độ cao. Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công để cung cấp thông tin và DVCTT cho người dân, doanh nghiệp; đặc biệt là hơn 97% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức 4.

Thống kê của Bộ TT&TT về tình hình cung cấp DVCTT của các địa phương đến tháng 4/2022

Số liệu thống kê của Bộ TT&TT từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/4 cho thấy, Top 5 địa phương có tỷ lệ DVCTT phát sinh nhiều hồ sơ trực tuyến là Quảng Ninh, TP.HCM, Lai Châu, Hòa Bình và Bắc Ninh, với tỷ lệ đạt được từ 55,25% đến 86,80%. Ở chiều ngược lại, Quảng Trị, Hải Phòng, Kon Tum, Bắc Kạn, Đắc Nông là 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến thấp nhất.

Đối với chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến, TP.HCM, Hòa Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình  và Bắc Giang có tỷ lệ cao nhất. Trong khi đó, tỷ lệ này của 5 tỉnh gồm Hưng Yên, Đồng Nai, Nghệ An, Bạc Liêu và Quảng Bình rất thấp, chỉ từ 2,72% đến 5,76%.

Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng chỉ rõ, dù đã đạt được những kết quả rất quan trọng, song hiệu quả sử dụng DVCTT còn chưa cao, số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến còn hạn chế. Tính đến tháng 4/2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trung bình của cả nước mới chỉ đạt 24,89%.

Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức cao

Thời gian qua, một số địa phương triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT. Cụ thể, để khuyến khích người dân, doanh nghiệp chọn thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng, trong năm ngoái, TP.HCM đã áp dụng giảm 50% lệ phí sử dụng DVCTT mức cao với 6 loại lệ phí dịch vụ.

Học tập kinh nghiệm của TP.HCM, trong năm nay, Quảng Nam áp dụng chính sách giảm 50% mức thu với 8 loại phí, 5 loại lệ phí cho các đối tượng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính thông qua DVCTT mức 3, 4 trên địa bàn tỉnh. 

Hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các DVCTT là một giải pháp được khuyến nghị để nâng cao hiệu quả sử dụng các dịch vụ (Ảnh minh họa: baoquangnam.vn).

Với Hòa Bình, vào trung tuần tháng 2, UBND tỉnh này đã có quyết  định giao chỉ tiêu về tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến phát sinh trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho 27 sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố. Theo đó, trong năm 2022, cả 17 sở, ban, ngành và 10 UBND các huyện, thành phố của Hòa Bình cần đưa tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt 55%.

Tiếp đó, trung tuần tháng 3, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã ra quyết định giao chỉ tiêu hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 cho các sở, ngành, địa phương năm 2022. Chỉ tiêu được giao tới từng cấp xã, phường, thị trấn, trong đó: Chỉ tiêu cho các đơn vị chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đạt tối thiểu 45% - 50%; chỉ tiêu cho các đơn vị chuyên môn thuộc UBND cấp huyện đạt tối thiểu 35% - 40%; và chỉ tiêu cho các đơn vị chuyên môn thuộc UBND cấp xã, phường, thị trấn tối thiểu đạt 25% - 30%.

Gần đây nhất, ngày 15/4, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã giao chỉ tiêu hồ sơ giải quyết trực tuyến mức 4 cho các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn. Theo đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức 4 đối với các thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ của các sở, ban, ngành, địa phương trong năm 2022 phải đạt từ 55% trở lên.

Để nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT trong thời gian tới, Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, ký ban hành Nghị định quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng thay thế cho Nghị định 43 năm 2011, từ đó tạo môi trường pháp lý thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn mới.

Bộ TT&TT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục, khẩn trương triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT, trong đó có việc rà soát, chuẩn hóa các các quy trình, thủ tục hành chính để bảo đảm cung cấp các DVCTT mức 4; khai thác hiệu quả dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để người dân chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần khi thực hiện DVCTT.

Bên cạnh đó, các bộ, tỉnh cũng cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích sử dụng DVCTT mức độ cao; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các DVCTT do cơ quan nhà nước cung cấp.

Vân Anh