Hai ngày nay, chị N.L (Khương Trung, Hà Nội) tất bật livestream (quay, phát video trực tiếp trên mạng) các mẫu quần áo mới, giới thiệu cho khách. Chị cho biết, ngay khi nhận được thông báo về Chỉ thị 15 của thành phố, trong đó lưu ý việc người dân hạn chế ra đường nếu không cần thiết, đóng cửa những dịch vụ không thiết yếu, chị đã đóng cửa hàng.
"Hiện tại, tôi chỉ bán hàng online thông qua các nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Khách chỉ cần chọn mẫu, gửi số đo và chuyển khoản là 3 - 5 ngày sau sẽ nhận được hàng" - chị nói.
Chị N.L cho biết, livestream mang lại hiệu quả tốt, cao hơn các hình thức bán hàng trên mạng thông thường. Bởi người tiêu dùng có thể nhìn thấy được dáng hình, chất liệu và màu sắc thực tế của quần áo.
"Cái lo nhất của khách khi mua hàng online là sợ nhận đồ về không giống như quảng cáo. Nếu chỉ chụp ảnh, giới thiệu đơn thuần, mọi người khó hình dung về sản phẩm nên việc livestream sẽ khắc phục gần như được hết khó khăn trên" - chị nói.
Ngoài ra, chị N.L còn cho biết, việc livestream có thể diễn ra rất linh hoạt, từ sáng cho tới tối. Thông thường, mỗi ca livestream bán hàng của chị diễn ra trong khoảng 45 - 60 phút. Một ngày, chị cho nhân viên livestream khoảng 6 ca, sáng 2 ca, chiều 2 ca, tối 2 ca. Hôm nào đông khách, cuối tuần, chị có thể nâng lên 8 ca.
Không chỉ với các cửa hàng quần áo, hình thức livestream được nhiều cửa hàng hoa quả, thực phẩm, đồ gia dụng sử dụng như một kênh tiếp thị hiệu quả trong mùa dịch. Thông qua các thiết bị, chủ cửa hàng có thể chốt đơn ngay trên sóng mà không cần nhắn tin trả lời.
Anh V.D, chủ một cửa hàng bán hoa quả ở Hà Nội cho biết, một năm nay, anh luôn sử dụng hình thức bán hàng mới này. Đặc biệt, mỗi khi có chỉ thị giãn cách, anh lại tăng cường tần suất, mật độ livestream.
"Tuy nhiên, không phải khung giờ nào bán hàng cũng hiệu quả nên mỗi ngày tôi chỉ livestream 3 lần vào 3 khung giờ vàng ở quán. Buổi sáng từ 9h đến 10h, chiều 15 - 16h, tối 20 - 21h. Nếu thấy khách đông hay sụt giảm bất thường, tôi sẽ điều chỉnh lại thời gian cho hợp lý" - anh nói.
Anh V.D cho biết, bán hàng qua livestream trên mạng không hề đơn giản. Bởi người bán đầu tiên phải rõ về sản phẩm, thứ hai là phải truyền đạt cho người nghe hiểu, thứ ba là phải biết chốt đơn, đây là điều quan trọng nhất trong một buổi bán hàng.
Đầu tư hơn, chị Ngọc Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) còn thuê người mẫu chuyên livestream các sản phẩm giầy, dép cho cửa hàng. Người mẫu này phải đáp ứng đủ các tiêu chí như ngoại hình sáng, ăn nói lưu loát, chốt đơn tốt. Ngoài nhận lương cơ bản, người mẫu bán hàng còn được nhận thêm hoa hồng khi bán được sản phẩm.
"Thông thường, một ca ở cửa hàng sẽ có một mẫu, một nhân viên chốt đơn, một nhân viên chuyên treo quần áo, lấy đồ cho mẫu. Kèm theo đó là các máy chốt đơn, in đơn và các thiết bị chiếu sáng nhằm phục vụ cho buổi bán hàng" - chị kể.
Chị Ngọc Anh cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chị đẩy mạnh việc bán hàng online. Vì vậy, suốt 2 năm qua, cửa hàng vẫn duy trì được nguồn thu tương đối ổn định.
Chị Nguyễn Ngọc Thúy, một nhân viên văn phòng ở Trung Hòa (Hà Nội) kể, 2 năm nay, chị chủ yếu mua hàng trên mạng. Một phần là do chị sợ đến chỗ đông người khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thứ hai là các hình thức bán hàng, đặc biệt livestream phát triển nên chị có thể thoải mái mua đồ mà không sợ hàng về tay không đúng chất lượng.
"Ví dụ, tôi xem một buổi livestream bán quần áo trên mạng, tôi có thể yêu cầu nhân viên cho xem chất vải, đường may qua màn hình bằng cách để lại bình luận. Bởi hiện nay, khâu phục vụ khách ở nhiều nơi rất tốt, họ sẽ đáp ứng mọi điều khách mong mỏi"- chị nói.
Tuy nhiên, chị Thúy cũng cho rằng, khi mua hàng trên mạng, người dùng nên chọn nơi uy tín, có bảo hành và chế độ đổi trả tốt thì hiệu quả sẽ cao hơn.
(Theo Dân Trí)
Bán hàng online, nhiều streamer dùng thủ đoạn lừa gạt khách hàng
Người bán hàng tổ chức livestream dùng hình ảnh hàng thật, hàng chính hãng nhưng lại giao hàng giả, hàng nhái, không có nguồn gốc, chứng từ…