Trung Quốc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào mọi mặt đời sống. Ảnh: AP |
Một đại học tại Hàng Châu, Trung Quốc đã triển khai hệ thống mới, cho phép sinh viên đăng nhập bằng mã xác minh gửi qua điện thoại và gửi cảnh báo tự động đến những người không đến lớp đúng giờ cùng với cảnh báo rủi ro khi trốn học.
Những người không đi học sẽ nhận được thông báo có nội dung: “Xin chào, đây là AI bé nhỏ, trợ lý giọng nói thông minh từ Đại học Hangzhou Dianzi. Tôi nhận thấy bạn đã không đến lớp hôm nay”. Bất kỳ phản hồi nào từ sinh viên sẽ được ghi âm và lưu lại để nhân viên sử dụng trong cuộc họp với sinh viên.
Theo ông Hu Haibin, Phó Giám đốc phụ trách văn phòng sinh viên, khoảng hơn nửa lớp học đã áp dụng hệ thống thông minh. Nếu trước đây, giáo viên mất 7 đến 8 phút để điểm danh, nay quá trình chỉ mất 15 giây. Kết quả khá tích cực khi tỉ lệ đi học đã tăng 7% trong 2 tuần kể từ khi triển khai ứng dụng. Ông Hu cho biết việc theo dõi học sinh nghỉ học chỉ là một phần, quan trọng hơn là tìm ra nguyên nhân sâu xa khiến học sinh nghỉ học và xây dựng cơ sở dữ liệu. Nhân viên trong trường sẽ gặp gỡ học sinh để tìm hiểu về việc vắng mặt.
Hệ thống được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ứng dụng AI trong mọi mặt đời sống, từ phát hiện người đi sai luật giao thông, tiết kiệm giấy vệ sinh cho đến các ứng dụng lớn hơn như xe tự lái, đào tạo robot đọc hồ sơ y tế và phát hiện ung thư. Trung Quốc đặt mục tiêu tạo ra ngành AI nội địa trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ và trở thành cường quốc AI toàn cầu vào năm 2030.
Theo tổ chức Tài sản sở hữu trí tuệ thế giới, Trung Quốc đi đầu về số lượng bằng sáng chế AI từ năm 2014, theo sau là Mỹ. Theo báo cáo của CB Insights, đây là hai nước có nhiều startup AI quan trọng, chiếm 10/11 “kỳ lân công nghệ” AI hàng đầu.