- Theo ông Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, điểm đầu vào dù quan trọng song chỉ là một phần của chất lượng đào tạo. Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhân lực, quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra mới là điều các trường cần đầu tư.

VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn San về vấn đề này:

Điểm chuẩn cao nhờ vị thế tăng

- Kết quả kỳ tuyển sinh 2017 của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông ra sao thưa ông?

- Với phương thức xét tuyển mới của năm nay, kỳ tuyển sinh 2017 đã diễn ra khá thuận lợi cho cả các thí sinh lẫn các trường. Như Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đã tuyển đủ 100% chỉ tiêu ngay trong đợt đầu tiên với mức điểm chuẩn trúng tuyển cao hơn năm trước từ 0,5-1,55 điểm (cơ sở phía Bắc) và tăng tới 2,75 điểm (cơ sở phía Nam).

Ngành có điểm trúng tuyển thấp nhất là 21,5 điểm (Quản trị kinh doanh, Kế toán) và ngành cao nhất là 25 điểm (ngành Công nghệ thông tin). Đối với cơ sở phía Nam, ngành thấp nhất của Học viện cũng là 19 điểm và ngành cao nhất là 23,5 điểm (ngành Công nghệ thông tin).

{keywords}
Ông Vũ Văn San, Giám đốc HV Công nghệ Bưu chính viễn thông.

Đáng kể nhất là ngành Công nghệ thông tin, mặc dù số lượng chỉ tiêu của Học viện cao gấp đôi những cơ sở khác song mức điểm chuẩn trúng tuyển vẫn khá cao, lên tới mức 25 điểm.

Bên cạnh đó, ngành đào tạo mũi nhọn mới của học viện là ngành Truyền thông đa phương tiện dù mới mở từ năm 2015 nhưng mức điểm chuẩn đều khá cao, từ 22 điểm trở lên. Năm nay, mức điểm chuẩn của ngành này là 23,75 điểm, tăng 1,5 điểm so với năm ngoái.

Tính tới chiều ngay hôm qua, 7/8, số lượng thí sinh tới nhập học ở cả 2 cơ sở đã đạt tới 100%. Như vậy, học viện đã tuyển đủ thí sinh ngay trong đợt đầu tiên và sẽ không tuyển bổ sung để tập trung cho kế hoạch học tập của năm mới.

- Năm nay mức điểm chuẩn trúng tuyển dâng cao ở nhiều trường. Từ góc độ của học viện, ông lý giải thế nào về hiện tượng này?

- Mức điểm chuẩn các trường năm nay đúng là có cao hơn những năm trước. Điều này một phần là do kết quả thi THPT quốc gia.

Tuy nhiên, đối với Học viện Bưu chính viễn thông mức điểm chuẩn năm nay không phải là đột biến. Trong 3 năm nay, mức điểm chuẩn của học viện đang có xu hướng tăng đều và việc tăng điểm chuẩn năm nay nằm trong xu hướng đó.

Nếu như các năm 2013, 2014, mức điểm chuẩn trúng tuyển của học viện chỉ từ mức 18 - 20 điểm. Những ngành có sức thu hút như ngành Công nghệ thông tin cũng chỉ ở mức 19,5 (2013) và 20 (2014) thì năm 2015, mức điểm đã tăng lên đáng kể, thấp nhất là 21 điểm, cao nhất là ngành Công nghệ thông tin đã tăng lên tới 23,75 điểm.

Tới năm 2016, mặc dù việc tuyển sinh của các trường gặp nhiều khó khăn, mức điểm chuẩn của trường vẫn tăng. Chỉ có 1 ngành có mức điểm chuẩn là 21 điểm. Các ngành khác đều cơ mức từ 21,5 trở lên.

{keywords}
Mức điểm chuẩn đầu vào của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông từ 2013 tới nay.

Việc điểm chuẩn trúng tuyển của học viện tăng có nguyên nhân chủ yếu là vị thế và uy tín của trường ngày càng nâng cao kể từ sau khi chuyển về Bộ Thông tin và Truyền thông từ năm 2015.

Với sự quan tâm và định hướng của lãnh đạo Bộ, học viện ngày càng khẳng định được vai trò hàng đầu của một cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ thông tin - viễn thông cho thị trường nhân lực tại Việt Nam.

Điều này cũng được thể hiện qua việc học viện liên tục thăng hạng trong bảng xếp hạng Webometrics. Trong bảng xếp hạng mới nhất, Học viện đã lọt vào top 15 trong tổng số 322 trường ĐH của Việt Nam, tăng 2 bậc so với đợt xếp hạng tháng 1/2017 và 5 bậc so với 8/2016.

- Thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, điểm chuẩn đầu vào không quan trọng bằng quá trình đào tạo của sinh viên, ông nghĩ thế nào về quan điểm này?

- Tôi cũng chia sẻ quan điểm này. Tất nhiên, điểm đầu vào quá thấp sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Nhưng điểm đầu vào thực ra chỉ là một yếu tố để đánh giá chất lượng thôi. Quan trọng vẫn là quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra.

Chất lượng đầu ra của sinh viên không chỉ phụ thuộc vào điểm đầu vào mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như quá trình giảng dạy của giảng dạy của giảng viên, quá trình lên lớp của sinh viên, giáo trình bài giảng, cách truyền đạt kiến thức cũng như điều kiện học tập, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm phục vụ việc dạy và học.

Nhiều em học giỏi, điểm thi đầu vào cao nhưng trong quá trình học lại không thích ứng được cách học tập ở đại học thì có khi không theo được với các em điểm đầu vào thấp hơn. Cũng có không ít những em học có điểm rất cao nhưng khi ra trường thì làm việc không hiệu quả bằng em điểm thấp hơn.

{keywords}
Sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. 

Vì vậy, tôi cho rằng, không nên quá quan tâm tới chất lượng đầu vào mà nên theo hướng quan tâm tới chất lượng đầu ra. Điểm chuẩn đầu vào chỉ là sự sàng lọc ban đầu, còn đào tạo trong nhà trường chính là quá trình phân hóa sinh viên. Có như vậy, đào tạo đại học mới có thể đi vào quỹ đạo chung của thế giới.

Tất nhiên, mỗi trường có một cách riêng để duy trì chất lượng đào tạo. Còn chất lượng ra sao thì phải để xã hội, thị trường và chính các doanh nghiệp đánh giá.

- Vậy chất lượng đầu ra của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông trong những năm qua được đánh giá như thế nào, thưa ông?

- Về tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thì có thể nói rằng, chúng tôi là một trong trường tốp đầu sinh viên ra trường có việc làm ngay. Kết quả điều tra cho thấy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 3 tháng có việc làm đúng ngành nghề đào tạo khoảng 86%. Sau 6 tháng thì tỉ lệ này đạt tới 93%.

Mới đây, khi trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên, tôi hỏi 10 em sinh viên thì 10 em đều có việc làm cả. Nhiều em năm thứ 3 cũng đã có việc làm, nhất là các em học ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ đa phương tiện.

Hiện nay, mỗi năm học viện vẫn đang cung cấp số lượng lớn nhân lực cho các doanh nghiệp lớn như Viettel, Samsung Việt Nam, VNPT, FPT... Hàng tháng các doanh nghiệp đều đến tìm hiểu và giới thiệu hoạt động tại Học viện để thu hút sinh viên của chúng tôi.

Thậm chí, có tập đoàn công nghệ lớn có đào tạo nhân lực CNTT song họ vẫn nói với tôi rằng, họ vẫn muốn sử dụng nguồn lực do Học viện đào tạo, thay thế cho chính những sinh viên do họ đào tạo.

Theo thống kê của Chính phủ, hiện nay nhân lực ngành công nghệ thông tin - ngành đào tạo chủ yếu của Học viện, vẫn thiếu về chất lượng và chất lượng. Do đó, để nguồn nhân lực có chất lượng tốt và đáp ứng được trực tiếp các doanh nghiệp, học viện đã tích cực thăm dò khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo của mình cho phù hợp.

Chẳng hạn như Tập đoàn Samsung cứ đầu năm học là họ đều đặt vấn đề với học viện về những nhu cầu nhân lực cụ thể. Từ đó, chúng tôi sẽ đưa vào chương trình những nội dung học theo yêu cầu của doanh nghiệp dưới dạng các tín chỉ. Theo cách đó, sinh viên được lợi, ra trường là có việc làm ngay trong khi doanh nghiệp thì được thụ hưởng kết quả đào tạo đúng như mong muốn và không mất thời gian đào tạo lại sinh viên sau khi nhận các em vào làm.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hà Phương (thực hiện)