Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia về dân tộc bắt đầu triển khai từ năm 2015 với mục tiêu: Cung cấp luận cứ khoa học nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến dân tộc thiểu số, từ đó thực hiện đổi mới chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Giai đoạn 2016-2020, Chương trình nông thôn miền núi đã xây dựng được 2.324 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái cho 34 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

W-channuoi.png
Chăn nuôi gia súc tại Thạch Tân, Sóc Trăng

Trong đó, thực hiện được 30 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 14 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin; 27 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hỗ trợ tạo việc làm cho trên 2.000 lao động thường xuyên và 5.000 lao động thời vụ, tạo sinh kế cho đồng bào; đã chuyển giao được 1.106 lượt công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đào tạo trên 1.000 cán bộ quản lý khoa học và công nghệ, 2.484 cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn cho 45.328 lượt nông dân các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi …

Tiếp nối, Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025 đã tạo được điểm sáng về ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Chương trình nông thôn miền núi phục vụ phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2011 - 2015 đã triển khai 317 dự án tại 61 tỉnh, thành phố, trong đó có 198 dự án triển khai tại 34 tỉnh, thành phố vùng DTTS&MN (chiếm 62,25%).

Các nhiệm vụ nghiên cứu thuộc Chương trình đã nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN, làm cho hoạt động nghiên cứu gắn với thực tiễn của địa phương, người dân được hưởng những thành quả do KH&CN mang lại; hỗ trợ các doanh nghiệp ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy lợi thế của địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển sản xuất tại một số địa bàn đặc biệt khó khăn, chậm phát triển, DTTS ít người…

Đồng bào DTTS sống chủ yếu nhờ nguồn lợi do sản xuất nông, lâm nghiệp mang lại. Do đó, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng DTTS&MN, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp giúp giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Một số dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN vào trồng trọt tiêu biểu như: Xây dựng mô hình sản xuất rau, hoa ôn đới tăng thu nhập cho người dân khu vực Phia Đén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng; sản xuất nông nghiệp bền vững cho đồng bào dân tộc Raglai huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận; mô hình nhân giống, trồng thâm canh, cải tạo, chế biến chè Shan tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm gạo đặc sản địa phương Khẩu Ký, Tẻ Râu, tỉnh Lai Châu; công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê và hồ tiêu tại vùng đồng bào DTTS tỉnh Gia Lai; mô hình nuôi bò thịt tại một số tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc; mô hình nuôi vỗ béo bò vàng tại các huyện vùng Cao nguyên đá Hà Giang; phát triển đàn dê tại A Lưới, Thừa Thiên Huế…

Các dự án ứng dụng KH&CN phục vụ đời sống và sản xuất như: công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp vùng DTTS tỉnh Ninh Thuận; công nghệ xử lý nước mặt, nước ngầm thành nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đồng bào DTTS tỉnh Lai Châu…

Các dự án đã xây dựng được hàng nghìn mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển giao thành công hàng nghìn lượt công nghệ và tiến bộ kỹ thuật phù hợp với từng vùng miền, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025 đã thúc đẩy, tăng cường dự án có liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trực tiếp sản xuất, doanh nghiệp trở thành hạt nhân giúp nông dân cùng phát triển trong mối liên kết chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa.

Kết quả của chương trình được duy trì và nhân rộng, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, cũng như thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Kim Duyên và nhóm PV