Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dịch COVID - 19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, làm tăng tỉ lệ người lao động thất nghiệp.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp giúp đảm bảo một phần đời sống của một bộ phận NLĐ thất nghiệp do dịch COVID - 19. |
Trong mấy tháng qua, dịch bệnh COVID - 19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính - ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành dệt may và da giày, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… dẫn đến việc làm của một bộ phận người lao động bị cắt. Hàng triệu lao động tự do ở các thành phố lâm vào tình cảnh thất nghiệp, sống cầm cự qua ngày.
Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo một phần đời sống của một bộ phận người lao động thất nghiệp.
Đặc biệt, đối với các trường hợp người lao động bị thất nghiệp đang chờ nhận trợ cấp thất nghiệp phải đi cách ly y tế hoặc bị nhiễm COVID - 19 không thể đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp theo thời hạn quy định (chỉ ảnh hưởng đối với những trường hợp không đến nhận tiền nhưng gần quá thời hạn 3 tháng kể từ ngày hết hạn hưởng ghi trên quyết định), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đề xuất cơ quan chức năng cho phép lùi thêm thời gian nhận tiền trợ cấp thất nghiệp bằng thời gian cách ly y tế hoặc điều trị do nhiễm COVID - 19 để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Từ năm 2015 đến nay, số tiền thu BHTN tăng bình quân 15%/năm, tính đến cuối năm 2020 số tiền thu là 18.693 tỷ.
Cùng với đó, theo Bộ LĐTBXH, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp có xu hướng tăng qua các năm do đối tượng tham gia tăng và người đủ điều kiện hưởng tăng: Năm 2015 có 526.279 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gấp 3,57 lần so với năm 2010. Từ khi Luật Việc làm có hiệu lực với việc thay đổi cách tính thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ tăng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp giai đoạn 2015 - 2019 là khá ổn định.
Trong năm 2020, đại địch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và hàng ngàn người lao động. Trong bối cảnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo phần nào đời sống, người lao động thất nghiệp và gia đình. Ngoài ra, người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp còn được cung cấp thông tin về thị trường lao động để tìm việc làm và sớm trở lại thị trường lao động, được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể khám chữa bệnh.
Bộ LĐTBXH khẳng định, trong những năm qua, các cơ quan, ban, ngành đã phối hợp tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp với phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn” khi giải quyết chế độ hỗ trợ học nghề đã có tác động tích cực, trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội.
Bài: Phạm Văn Bắc
Ảnh: Nguyễn Đắc Vịnh