Xuất phát từ thực tế cuộc sống là một xã vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, chị Y Ró, 35 tuổi người dân tộc Mơnâm cũng ở thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kontum luôn trăn trở làm sao để phát triển kinh tế gia đình, thoát được nghèo đói.

Nói về những ngày đầu mới lập nghiệp, Y Ró cho biết: Năm 2012 được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hội phụ nữ cấp trên đã vận động người dân nơi đây trồng cây cà phê xứ lạnh và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân trồng cà phê.

Bản thân Y Ró đã mạnh dạn trồng và vận dụng các kỹ thuật được học vào sản xuất. Bước đầu mới trồng được 1 ha, nhưng nhận thấy trên cùng một diện tích như nhau nhưng cây cà phê có hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cây lúa, cây mì. Do đó, chị đã quyết tâm vay 30 triệu đồng của NHCSXH để mở rộng thêm diện tích trồng cà phê. Đến nay, thu nhập của gia đình chị đạt trên 300 triệu đồng/năm, trong đó riêng từ cây cà phê xứ lạnh là 40 triệu/năm, góp phần rất nhiều trong việc tạo thu nhập ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình.

{keywords}
Tổ liên kết trồng cây cà phê xứ lạnh ở xã Măng Cành đang hoạt động ổn định với 21 thành viên, từng bước nâng cao doanh thu mỗi năm đạt trên 200 triệu đồng và còn mở rộng thị trường đến tỉnh Gia Lai. 

Hơn thế nữa, từ những kinh nghiệm thực tế của bản thân, Y Ró đã tích cực tuyên truyền, vận động được rất nhiều chị em hội viên phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn sang trồng cà phê xứ lạnh. Từ đó, ý tưởng thành lập mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê xứ lạnh xã Măng Cành ra đời, tạo thêm cơ hội việc làm cho nhiều chị em phụ nữ thông qua việc cùng hợp tác trồng, mua bán hàng số lượng lớn để có giá tốt, cùng thống nhất về giá bán, về quy trình, kỹ thuật thu mua, bảo quản để đảm bảo chất lượng của sản phẩm cà phê.

Nhớ lại khó khăn trong những ngày đầu mới thành lập, Y Ró chia sẻ: Do chưa có kinh nghiệm về kinh doanh cũng như các kiến thức điều hành hoạt động của tổ liên kết nên có những thời điểm thực sự khó khăn và áp lực, nhất là việc các thành viên trong nhóm chưa có kinh nghiệm trong việc giới thiệu sản phẩm nên thị trường tiêu thụ mới chủ yếu cung cấp tại huyện Đăk Hà, doanh thu của tổ liên kết còn hạn chế. Nhưng tất cả chị em trong tổ chưa từng nản chí, mà càng khó khăn lại càng đề ra quyết tâm vượt qua để có được thành công như ngày hôm nay.

Đến nay, tổ liên kết trồng cây cà phê xứ lạnh ở xã Măng Cành đang hoạt động ổn định với 21 thành viên, từng bước nâng cao doanh thu mỗi năm đạt trên 200 triệu đồng và còn mở rộng thị trường đến tỉnh Gia Lai. Đã có 139 hội viên phụ nữ tại 10/10 thôn của xã đã đăng ký tham gia mô hình tổ liên kết trồng cà phê. Kết quả đã có 15 gia đình hội viên bắt đầu thu hoạch sản phẩm cà phê từ mô hình, cho thu nhập bình quân 40 triệu đồng/hộ/năm, qua đó đã giúp những gia đình này thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhiều chị em trong nhóm mong muốn trong thời gian tới sẽ mở rộng hơn nữa quy mô của tổ liên kết để tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều chị em khác trên địa bàn; và trong tương lai không xa sẽ xây dựng một thương hiệu riêng cho các sản phẩm nông sản sạch, không chỉ là cây cà phê, mang đặc trưng của Kon Plông. Tuy nhiên, đa số chị em băn khoăn là làm sao có thể kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, đồng thời tìm kiếm được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định, từ đó giúp chị em yên tâm mở rộng sản xuất.

Từ những thành công ban đầu của mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê xứ lạnh ở xã Măng Cành, Hội LHPN huyện Kon Plông đã tiếp tục phối hợp với Hội LHPN xã Măng Cành tổ chức kiểm tra việc triển khai trồng cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn 10/10 thôn theo sự chỉ đạo, phân công của Thường trực Huyện ủy. Qua kiểm tra đến nay diện tích cây tăng trưởng đạt trên 90%; ở một số thôn như thôn Kon Tu Ma, Kon Kum, Đăk Ne, Tu Rằng, Kon Chênh, Kon Năng, bà con đã biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật, cây sinh trưởng tốt, có chất lượng cao.

Đánh giá về hiệu quả của những mô hình làm kinh tế của chị em tại địa phương, chị Lương Thị Dân cho biết: Trên địa bàn huyện Kon Plông ngày nay có rất nhiều mô hình đã và đang hoạt động rất hiệu quả như mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng rau xứ lạnh Măng Đen ở xã Đăk Long; mô hình Tổ phụ nữ hợp tác trồng và bán rau, củ, quả an toàn Măng Đen; phong trào Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình; phối hợp với Hội LHPN tỉnh, UBND huyện tổ chức thành lập câu lạc bộ "Nữ doanh nhân"... Để giúp các mô hình này hoạt động ổn định và phát triển hơn trong thời gian tới, Hội LHPN các cấp luôn nỗ lực tìm cách hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, trở thành điểm tựa để các chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số hợp sức phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Theo bà Trần Thị Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum, hiện nay tỉnh đang nhân rộng những mô hình phụ nữ dân tộc thiếu số giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững. Hội LHPN tỉnh xác định thông qua những mô hình này chính là phương thức giúp đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng nắm được những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, của địa phương, đặc biệt hữu hiệu trong việc hỗ trợ cho chị em phụ nữ dân tộc khởi nghiệp.

Không thể phủ nhận, những điểm tựa vững chắc này đã và đang tạo đà giúp chị em không chỉ làm tốt việc “xây tổ ấm” mà còn vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương.

Văn Thường
Ảnh: Nguyễn Hằng