Là địa bàn sinh sống của 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng đã tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa của tỉnh Điện Biên.

Tháng 8 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2506/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên gắn với xây dựng nông thôn mới.

W-20240412_152757.jpg
Tỉnh Điện Biên có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. 

Theo kế hoạch, việc tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ triển khai các nội dung cụ thể, gồm: Khảo sát, đánh giá thực trạng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú tại bản Kéo thuộc xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ; Những kết quả đạt được, khó khăn và hạn chế làm cơ sở lựa chọn địa điểm, xây dựng nội dung kế hoạch; Tổ chức thực hành mô hình.

Ngoài ra, tỉnh phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn về phương pháp, kỹ năng xây dựng và nhân rộng mô hình; Tổ chức thực hành mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú; Sản xuất phim tài liệu phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền, quảng bá mô hình bảo tồn.

Qua đó, góp phần nâng cao năng lực, ý thức tự bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khơ Mú nói riêng và bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn Điện Biên nói chung. Chương trình cũng phát huy vai trò chủ thể của đồng bào Khơ Mú trong phát triển du lịch cộng đồng, bởi xây dựng và phát triển các mô hình làng du lịch cộng đồng trong nông thôn mới là mũi nhọn được tỉnh Điện Biên quan tâm đẩy mạnh.

hơ mú.jpg
Một lễ hội của người Khơ Mú. 

Trong xây dựng nông thôn mới, văn hóa là 1 tiêu chí nhưng cũng là nền tảng giúp địa phương phát triển đúng hướng. Vì vậy, tỉnh Điện Biên thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đưa nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, đồng thời giữ vững những giá trị cốt lõi, mang bản sắc riêng của mỗi vùng nông thôn.

Hiện, du lịch cộng đồng ở Điện Biên được định hướng phát triển theo mô hình lưu trú homestay với kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc được cải tạo, trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch, các sản phẩm ẩm thực, sản phẩm văn hóa, văn nghệ, trải nghiệm nghề truyền thống, nông nghiệp… tại các bản văn hóa du lịch giàu tiềm năng như: bản Phiêng Lơi, Che Căn, Kéo, thành phố Điện Biên Phủ; bản Tả Kố Khừ, huyện Mường Nhé; bản Nà Sự, huyện Nậm Pồ; bản Na Sang II, huyện Điện Biên…