Liên quan tới bài viết “Chi tiền mua thẻ học trực tuyến cho con, phụ huynh ngã ngửa không thể vào website”, ông Trịnh Trọng Nam – Trưởng ban cố vấn (hiện là Trưởng phòng Giáo dục Trung học của Sở GD-ĐT Thanh Hóa) cho biết, trách nhiệm thuộc về công ty, cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc, làm rõ.

Theo ông Nam, những năm Covid-19, Bộ GD-ĐT khuyến khích dạy học trực tuyến.

Năm 2021, Công ty CP phát triển công nghệ giáo dục trực tuyến đã có hồ sơ pháp lý đầy đủ về triển khai website “luyenthivao10vannthpt.vn”.

Trên cơ sở đó, công ty mời một số người ở Sở GD-ĐT Thanh Hóa tham gia, gồm: Ông Mai Công Mãn (Trưởng phòng Giáo dục THPT làm cố vấn môn Toán - hiện nay đã về hưu),ông Trịnh Trọng Nam -hiện nay là Trường phòng Giáo dục Trung học làm Trưởng ban cố vấn) và một số giáo viên giỏi để giảng dạy.

W-a3   Sao chép.jpghhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Các nhà giáo được giới thiệu trong ban cố vấn tham gia chương trình của Công ty CP phát triển công nghệ giáo dục trực tuyến. Ảnh: CTV

“Họ mời chúng tôi về với vai trò cố vấn là chỉ đạo chuyên môn, dự giờ các giáo viên giảng dạy, để tiết học và chương trình học đến với học sinh tốt nhất. Chức danh trưởng ban cố vấn cũng là do công ty tự đặt, không có quyết định nào cho chức danh này”, ông Nam chia sẻ.

Theo ông Nam, ban cố vấn chỉ tham gia chương trình dạy luyện thi lớp 10 (gồm 3 môn: Toán, tiếng Việt, tiếng Anh). Thời gian giảng dạy từ đầu năm 2021 đến hè của năm đó, với tổng cộng 20 tiết/môn. Đến thời điểm hiện tại, công ty cũng chưa trả tiền công giảng dạy của giáo viên ban cố vấn.

“Sau khi thực hiện xong việc giảng dạy ôn thi lớp 10, công ty in thẻ và phát hành như thế nào, chúng tôi không biết. Về phía Ban cố vấn và giáo viên không dạy thêm bất cứ buổi nào của chương trình thẻ 5 môn (từ lớp 1 đến lớp 12).

Thời điểm ghi hình giảng dạy (năm 2021) cũng là cũng là lúc bắt đầu Bộ GD-ĐT thay đổi chương trình sách giáo khoa, do đó chương trình thẻ học 5 môn sẽ không còn phù hợp. Riêng phần luyện thi lớp 10, thực hiện chương trình từ năm 2016, do đó chương trình này vẫn đang học bình thường đến hết năm học 2023-2024”, ông Nam cho biết.

W-a4.jpghhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Nhiều thẻ học trực tuyến không sử dụng được mà học sinh trả lại cho đại lý. Ảnh: Lê Dương

Ông Nam chia sẻ thêm, ngoài chương trình ôn luyện thi lớp 10, ông và các cộng sự không tham gia bất cứ chương trình 5 môn nào của công ty, cũng như không hề biết việc công ty nói làm thẻ tiếng Anh thay thế và hoàn trả cho học sinh mua thẻ trước đó bị lỗi như báo chí phản ánh.

“Về pháp lý, công ty có quyết định của tỉnh, về chuyên môn, các bài giảng chất lượng tốt, không có sai sót gì. Còn việc phát hành thẻ bị lỗi hay không vào được website là do công ty. Về việc này, bên nào sai, không xử lý, khắc phục sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Nam cho biết.

Trước đó, theo phản ánh của một số phụ huynh ở thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) tới VietNamNet, sau khi kết thúc năm học 2022-2023, một số giáo viên, đại lý có chào bán thẻ học trực tuyến cho học sinh, nhằm mục đích ôn luyện hè và học tập. Tuy nhiên, sau khi mua thẻ, nhiều học sinh lại không vào được hệ thống để học.

Suốt hơn một năm qua, phía đại lý, Công ty CP phát triển công nghệ giáo dục trực tuyến vẫn không có biện pháp khắc phục, sửa lỗi hay hoàn trả lại thẻ cho học sinh, khiến các phụ huynh bức xúc.