Huyện Mường Ảng (Điện Biên) có đến hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Những năm qua, nhằm góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, hủ tục, các cấp chính quyền huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và người dân đồng bào các DTTS.
Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản mới ban hành về mọi mặt của đời sống xã hội như: phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ môi trường; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết,…
Quá trình nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho đồng bào vùng DTTS trên địa bàn huyện Mường Ảng được triển khai quyết liệt, khẩn trương, rộng khắp tới các cấp cơ sở.
Vừa qua, đội thi huyện Mường Ảng đã giành giải Nhất toàn đoàn tại Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên, năm 2024.
Tại huyện Tủa Chùa (Điện Biên), nhằm giúp đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, từng bước thay đổi tập quán lạc hậu trong hôn nhân, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể huyện đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS.
Đồng thời tổ chức thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”; đề án “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”.
Đặc biệt từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), các các cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp tập quán, nhận thức của người dân.
Đổi mới về hình thức, cách làm
Điện Biên là tỉnh có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó có những DTTS rất ít người như: Cống, Si La, Phù Lá tập trung ở địa bàn vùng cao, đời sống gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức nói chung, nhận thức về pháp luật nói riêng còn hạn chế.
Xác định việc đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh (Hội đồng) đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành quan tâm triển khai nhiều chương trình, đề án về phổ biến giáo dục pháp luật hoặc lồng ghép thực hiện như: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”; Đề án “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”…
Hàng năm, Hội đồng tổ chức khảo sát thực tế tại cơ sở về nhu cầu thông tin, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động để lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm. Hội đồng, các cấp, ngành chức năng còn tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia.
Những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Điện Biên liên tục được đổi mới về hình thức. Nhiều cách làm, mô hình hay, sáng tạo đã được triển khai và nhân rộng, qua đó nâng cao chất lượng tuyên truyền, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng biên giới.
Chẳng hạn, mô hình “dòng họ tự quản, bản làng bình yên”; các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp về nâng cao nhận thức, giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống; phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới…
Một trong những cách làm hiệu quả phải kể đến là việc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Nậm Pồ tổ chức tuyên truyền pháp luật và phát động “Phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép” cho người dân trên địa bàn và các xã lân cận.
Bộ đội Biên phòng đã trình chiếu video, cấp phát tờ gấp tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các nội dung đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời cung cấp thông tin để người dân nhận diện được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là những rủi ro về pháp lý liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép.