Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới, có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó có những dân tộc thiểu số rất ít người như Cống, Si La, Phù Lá tập trung ở địa bàn vùng cao, đời sống gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế.
Những năm qua, các cấp, ngành chức năng tỉnh Điện Biên đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng biên giới.
Tại huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ, thực trạng kém hiểu biết pháp luật hoặc nhận thức không đầy đủ các quy định pháp luật cũng tồn tại chủ yếu trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số như: H’Mông, Thái, Cống…
Ông Nguyễn Hữu Đại, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ cho hay, nhiều vụ việc vi phạm quy định quản lý bảo vệ rừng, xâm canh khu vực biên giới và vi phạm liên quan đến ma túy xảy ra do người dân không hiểu hoặc hiểu không đúng quy định pháp luật.
Nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, từng bước thay đổi tập quán lạc hậu trong hôn nhân, thời gian qua, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Điện Biên đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc lồng ghép thực hiện như: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”; Đề án “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”.
Đặc biệt từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp tập quán, nhận thức của người dân.
Tại huyện Tủa Chùa, nhờ nguồn kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng được phân bổ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã chủ động hướng dẫn, duy trì hoạt động 30 tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức 15 cuộc đối thoại chính sách tại cấp xã, cụm thôn bản đặc biệt khó khăn.
Cũng từ nguồn kinh phí được giao, từ đầu năm đến giữa tháng 10/2023, Phòng Dân tộc huyện Tủa Chùa đã tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn pháp luật về hôn nhân, gia đình và phòng chống tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 5 xã: Trung Thu, Lao Xả Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sín Chải với 296 người tham gia. Qua đó, giúp học sinh nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, không kết hôn sớm.
Phòng Dân tộc huyện Tủa Chùa còn chủ động phối hợp cùng 5 Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở ở 5 xã: Trung Thu, Lao Xả Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sín Chải tổ chức tọa đàm, tư vấn, nói chuyện chuyên đề giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Đặc biệt, mới đây, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ tổ chức tuyên truyền pháp luật và phát động “Phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép” tại bản Púng Pa Kha, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ thu hút sự tham gia của gần nghìn người dân xã Nà Bủng và các xã lân cận.
Tại buổi tuyên truyền, Bộ đội Biên phòng đã trình chiếu video, cấp phát tờ gấp tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và các nội dung đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời cung cấp thông tin để người dân nhận diện được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là những rủi ro về pháp lý liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép.
Đánh giá cao nỗ lực của các huyện, ngành trong việc nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cho hay, rất nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền đã được triển khai và nhân rộng như: mô hình Ban thông tin truyền thông cấp xã; mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi, mỗi tuần một điều luật”... Từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới ngày càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp; Từng bước chung sức xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã vùng cao, biên giới ngày càng vững mạnh.