Thành lập năm 1997, với định hướng xây dựng vùng rau tập trung, quy mô lớn, Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (trụ sở tại thôn Trung Quan, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) đã sớm quy hoạch và triển khai sản xuất nông nghiệp bài bản theo mô hình kiểm soát, quản lý chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ rau an toàn. 

Mô hình có sự tham gia liên kết của 4 thành phần gồm: Nhà quản lý (trạm/chi cục bảo vệ thực vật), nhà nghiên cứu (Viện rau quả), doanh nghiệp và hợp tác xã (người sản xuất). 

anh bai 27.jpg
Việc tiêu thụ rau được đảm bảo ổn định, mỗi năm đạt từ 35.000 – 37.000 tấn, giúp các hộ sản xuất đạt doanh thu đạt từ 450 – 500 triệu đồng/ha. 

Giám đốc Nguyễn Văn Minh cho biết, Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức hiện có 180 thành viên với vốn điều lệ 1 tỷ đồng; 1.037 thành viên liên kết tham gia trực tiếp sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, chủ yếu là các thành viên của Hợp tác xã trước đây.

Các hộ tham gia sản xuất được chia thành 20 nhóm và 5 liên nhóm, mỗi nhóm gồm 25 - 30 hộ thành viên trồng rau. Trong đó, mỗi nhóm, liên nhóm bầu ra 1 tổ trưởng làm nhiệm vụ giám sát, quản lý và đảm bảo toàn bộ diện tích rau được trồng đồng bộ theo đúng quy trình.

Hợp tác xã xây dựng vùng sản xuất lớn với quy mô 220 ha rau an toàn, trong đó có 30 ha được chứng nhận VietGap. Việc áp dụng các biện pháp sản xuất an toàn, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thảo dược… giúp đảm bảo chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm. 

Theo bà Hoàng Thị Thúy Nga, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Gia Lâm, các hộ tham gia sản xuất theo nhóm đều được cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội tập huấn về cách thức vận hành quản lý theo PGS, sản xuất RAT, rau VietGAP theo phương pháp FFS, phòng trừ dịch hại IPM... Ban kiểm soát gồm đại diện người tiêu dùng, công ty phân phối, thu mua, trạm bảo vệ thực vật, chính quyền xã và Hợp tác xã thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất để đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm.

Nhiều giải pháp đã được Hợp tác xã triển khai trên hành trình đồng hành, giúp các thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Chẳng hạn: Lập sơ đồ lịch thời vụ, ghi chép nhật ký sản xuất theo các nhóm, phân theo từng khu vực cánh đồng; Tổ chức sản xuất theo kế hoạch đã được Hợp tác xã xây dựng, dựa trên nhu cầu của đối tác và triển khai tới các hộ thành viên; Cung cấp giống, vật tư, đảm nhận dịch vụ tưới tiêu, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật cho toàn bộ thành viên (bao gồm cả thành viên liên kết); Ký hợp đồng với doanh nghiệp, thực hiện giải pháp “mua chung” cho các thành viên với giá thấp hơn 5 - 7% so với giá đại lý phân bón cấp 1 trên địa bàn.

Để giải quyết tốt vấn đề đầu ra, Hợp tác xã tổ chức kế hoạch sản xuất cụ thể, đa dạng các loại rau theo nhu cầu của đối tác; căn cứ vào sản lượng tiêu thụ để cân đối diện tích gieo trồng với sản lượng phù hợp.

Hợp tác xã ký hợp đồng trực tiếp với hầu hết các doanh nghiệp tiêu thụ, không qua bất kỳ bên trung gian nào. Nhờ vậy, việc tiêu thụ rau được đảm bảo ổn định, mỗi năm đạt từ 35.000 – 37.000 tấn, giúp các hộ sản xuất đạt doanh thu đạt từ 450 – 500 triệu đồng/ha. Hiện Hợp tác xã đang đề nghị Nhà nước hỗ trợ về mặt bằng, thiết bị để hoàn thiện hệ thống sơ chế, chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau của bà con trên địa bàn.

“Tham gia chương trình OCOP năm 2019, Hợp tác xã có 8 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Hiện tại, khoảng 70% sản lượng các sản phẩm của Hợp tác xã được tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn như Coo.p Mart, Metro, AEON, Home Mart, TP Mart, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn thập thể...; 30% được tiêu thụ tại các chợ đầu mối. Trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng từ 40 - 50 tấn rau các loại. Đặc biệt, Hợp tác xã đang duy trì xuất khẩu 300 - 500 tấn/năm các loại: Cải thảo, bắp cải, súp lơ... tới thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc”, Giám đốc Nguyễn Văn Minh phấn khởi cung cấp thêm thông tin.

Minh Hưng và nhóm PV, BTV