Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng bị tác động mạnh nhất bởi biến đổi khí hậu. Các hợp tác xã ở khu vực này rất cần được hỗ trợ nâng cao năng lực trong việc đánh giá, nhận biết về tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy các giải pháp, nhất là các giải pháp cộng đồng để thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Có những giải pháp bản thân một hộ hay vài hộ không thể làm được mà phải có sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó cần có sự quyết tâm cao của các hợp tác xã”, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý.
Nhận thấy nhu cầu thực tiễn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chính phủ ban hành Đề án Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025.
Những mục tiêu chính của Đề án gồm: Nâng cao năng lực chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại nhằm phát triển bền vững các hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long; Phấn đấu đến năm 2025, mỗi tỉnh có từ 3 - 5 mô hình hợp tác xã nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, kết hợp mô hình kinh tế tuần hoàn để nghiên cứu, học tập và nhân rộng…
Đề án cũng đưa ra những giải pháp hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững trước những tác động của biến đổi khí hậu như: Truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng; Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu cho các hợp tác xã nông nghiệp và người dân trong vùng; Hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, liên kết chuỗi giá trị; kết nối, chia sẻ thông tin…
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thêm một Đề án khác liên quan tới câu chuyện hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu.
Đó là Đề án Phát triển bền vững một triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
“Đây là đề án rất tham vọng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bạn bè quốc tế, nhất là Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam là nước duy nhất dám đề xuất 1 chương trình, đề án mà ở đó 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải như vậy. Có thể nói, đây là dự án đầu tiên của Việt Nam, cũng là dự án đầu tiên của thế giới trong việc chuyển đổi nông nghiệp bền vững, trong đó có phát triển lúa gạo, giảm phát thải”, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích thêm: “Như chúng ta biết, 40% phát thải trong nông nghiệp là do hoạt động canh tác, nhất là canh tác lúa. Lúa gạo là yếu tố rất quan trọng nếu muốn hình thành và phát triển thị trường carbon giảm phát thải. Những quy trình canh tác lúa như tưới xen kẽ, phơi ruộng, canh tác lúa cải tiến (SRI), 1 thải 5 giảm… đã được chứng minh rằng sẽ cho phép giảm khoảng 40% lượng khí thải. Và với lượng 40% khí thải đó, mỗi vụ, người nông dân có thể bán ra được ít nhất từ 15 – 20 USD cho 1 ha giảm chỉ số carbon nếu các chứng chỉ carbon được giao dịch”.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết hợp tác với WB, dành khoảng 40 triệu USD để đào tạo nông dân làm quy trình sản xuất giảm phát thải cho canh tác lúa gạo; nâng cao năng lực cho cả cán bộ hợp tác xã và đặc biệt là cho nông dân thành viên của hợp tác xã ứng dụng các công nghệ giảm phát thải, phát triển bền vững.