Gia Lâm là cửa ngõ nối thủ đô với tam giác kinh tế Đông Bắc gồm: Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh, là điểm đến của chiến lược di cư, giải quyết bài toán quá tải hạ tầng nội đô. Trong ảnh, cầu Đuống kết nối giao thông giữa hai địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
Nhờ có diện tích đất rộng 115 km2, dân số 280.000 gồm 20 xã và 2 thị trấn, nguồn lực đất đai lớn, hệ thống giao thông và hạ tầng xã hội tại Gia Lâm được đầu tư phát triển bài bản, đồng bộ. Mặt khác, là đơn vị đi sau nên huyện này có điều kiện thuận lợi để xây dựng đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Cùng với Đông Anh, Gia Lâm là một trong hai huyện được Hà Nội ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng thành quận trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Trong ảnh, thị trấn Yên Viên nơi có ga Yên Viên đã nhiều năm tuổi.
Trong 9 tháng đầu năm, các chỉ số kinh tế của huyện này đều đạt mức cao, trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,69% (cả nước tăng 8,83%), thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 78,3% so với dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong ảnh, cầu Phù Đổng với đường dẫn phía bắc nối quốc lộ 1A đi Lạng Sơn, đầu đường dẫn phía nam vượt quốc lộ 5 nối cầu Thanh Trì thông ra quốc lộ 1.
Gia Lâm cũng là điểm kết nối giữa các địa phương với thủ đô như Hưng Yên, Bắc Ninh trong đó phải kể đến các tuyến cao tốc chạy qua địa bàn như Hà Nội - Bắc Giang hay Hà Nội - Hải Phòng.
Với 27 tiêu chí để đạt yêu cầu từ huyện lên quận, hiện Gia Lâm còn thiếu 2 là cơ sở y tế đô thị và cân đối thu chi ngân sách. Để giải quyết, huyện có chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm với tổng vốn trên 1.000 tỷ đồng. Dự án sẽ triển khai trong năm 2023-2025 với quy mô nâng cấp, mở rộng bệnh viện từ 150 giường lên 500 giường bệnh theo tiêu chuẩn.
Ngoài ra, Gia Lâm cũng cấp kinh phí đầu tư nhiều dự án khác bao gồm cải tạo, chỉnh trang ao đình, sân chơi, vườn hoa, cây xanh… Trong ảnh, một khu đô thị với nhiều căn biệt thự cao cấp thuộc địa bàn xã Ninh Hiệp.
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, 6 dự án giao thông mới dự kiến sẽ được xây dựng tại huyện Gia Lâm, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách huyện từ nay đến năm 2025. Cụ thể, Hà Nội sẽ đầu tư tuyến đường gom dài hơn 2,3km chạy dọc quốc lộ 3 mới từ địa phận huyện Đông Anh đến giao tuyến đường quy hoạch 20,5m. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 135 tỷ đồng.
Công trình thứ hai là xây dựng đường 179 theo quy hoạch từ đê Phù Đổng đến hết địa phận huyện Gia Lâm với chiều dài 1,65km. Tuyến này sẽ bắt đầu từ đường hành lang chân đê Đuống (trạm bơm tiêu Phù Đồng), chạy đến Khu công nghiệp VSIP. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 180 tỷ đồng. Giai đoạn đến 2025, Gia Lâm dự kiến đầu tư hơn 61 tỷ đồng làm đường nối từ đường 179, huyện Gia Lâm đến khu công nghiệp Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên với chiều dài khoảng 310m, mặt cắt ngang rộng 30m.
Bên cạnh đó Gia Lâm sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường theo quy hoạch từ đường quy hoạch 24,5m Yên Viên đến đường quy hoạch Yên Viên - Đình Xuyên - Ninh Hiệp với chiều dài khoảng 1km, rộng 25m, vốn đầu tư hơn 123 tỷ đồng. Ngân sách huyện dự kiến sẽ chi hơn 73 tỷ đồng xây dựng tuyến đường theo quy hoạch Đình Xuyên - Ninh Hiệp đến nút giao đê tả Đuống vói đường quốc lộ 1, xã Phù Đổng với chiều dài khoảng 500m, rộng 25m.
Sự phát triển của Gia Lâm không thể không nhắc đến các dự án bất động sản lớn mạnh. Hiện, các dự án bất động sản đang mở bán gây chú ý đối với nhiều người như: Khu biệt thự Hoa Viên, Vinhomes Ocean Park, Hanhomes Blue Star, Gia Lâm Central Metropolitan, Masteri Waterfront Ocean Park, Phân khu The Pavilion Gia Lâm và Eurowindow Twin Parks Gia Lâm.
Các dự án tại đây đều có những ưu thế về thiết kế, quy hoạch, tiện ích và kết nối giao thông, góp phần hoàn thiện diện mạo đô thị.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, do đó quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở các vùng đô thị lớn và khu vực nông thôn ven đô. Trên thực tế, các thành phố trực thuộc Trung ương, các đô thị loại I có xu hướng mở rộng không gian từ trung tâm lõi đô thị ra ngoại vi. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở vùng ven đô đặt ra vấn đề là phải xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường… (Trong ảnh là mộc góc thị trấn Trâu Quỳ).
Được coi là nhà ở xã hội "tiên phong" của thủ đô, sau nhiều năm, Đặng Xá vẫn là hình mẫu phát triển cho nhiều khu đô thị giá rẻ khác.
Khu đô thị này nằm cạnh quốc lộ 5, trên địa bàn 3 xã Cổ Bi, Trâu Quỳ, Phú Thị có tổng diện tích 69,6ha chia làm 2 giai đoạn: Dự án Khu đô thị Đặng Xá I (30,6 ha) và Khu đô thị Đặng Xá II (39 ha) với hạ tầng khá đồng bộ từ nhà trẻ, trường mầm non, khu thể thao, khu dịch vụ, nhà hàng, siêu thị, cây xanh cảnh quan, tạo môi trường xanh, sạch và nâng cao đời sống của cư dân.
Việc ứng dụng, phát triển thành công mô hình nông nghiệp ven đô không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm tươi sống và an toàn, mà còn đáp ứng yêu cầu cảnh quan đô thị, tăng thêm không gian xanh. Trong ảnh, nhà vườn trồng giống đu đủ Đài Loan và trang trại nuôi vịt của ông Lịch ở thị trấn Trâu Quỳ.
Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đến năm 2025, thành phố phấn đấu đưa 5 huyện, gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì phát triển thành quận. Thành phố đã có nhiều giải pháp để đầu tư đồng bộ, phát triển các huyện thành quận. Sau khi đánh giá tình hình, Sở Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đến năm 2025 sẽ có 2 huyện sẽ có khả năng hoàn thành đề án là huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm; 3 huyện còn lại: Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng có số lượng tiêu chí chưa hoàn thành còn nhiều (từ 3 đến 6 tiêu chí), việc hoàn thành đề án đến năm 2025 sẽ khó khả thi. Với 27 tiêu chí xây dựng huyện thành quận, huyện Đan Phượng đạt 21 tiêu chí; huyện Đông Anh đạt 26 tiêu chí; trong khi Gia Lâm đạt 25 tiêu chí; Hoài Đức đạt 22 tiêu chí và Thanh Trì đạt 24 tiêu chí. |