Thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.329 km2, có 30 quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấ với  dân số toàn Thành phố hiện nay khoảng 10 triệu người. Trong đó, người dân tộc thiểu số sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó sinh sống thành cộng đồng ở 119 thôn, 14 xã của 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức); đồng bào dân tộc Mường và Dao chiếm khoảng 51%.

Những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được Hà Nội quan tâm chỉ đạo, thực hiện đảm bảo, đầy đủ kịp thời. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi của thủ đô giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025) được triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô.

Những đổi thay trên các vùng dân tộc miền núi

Các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm gần 11%, tỷ lệ hộ nghèo của người dân tộc thiểu số còn 0,42%. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng trên 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. 100% xã vùng DTTS, miền núi đều hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Đây là những con số ấn tượng bởi năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc, miền núi đang còn là 3,7%. 

Sở dĩ đạt được kết quả này là do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sát sao. Cụ thể, ban hành 4 Kế hoạch để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi, thực hiện 9 nội dung với tổng đầu tư ngân sách hơn 2.144 tỷ đồng.

W-d226n-toc-thieu-so.jpg
Hà Nội đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Ví dụ, xã Minh Quang được Hà Nội, huyện Ba Vì quan tâm, đầu tư hơn 700 tỷ đồng để thực hiện các dự án xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế… Từ một xã chỉ có 11% đường bê tông, đến nay 98% tuyến đường ở Minh Quang được nhựa hóa, bê tông hóa. Các trường học đều đạt chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân của người dân của xã đạt gần 64 triệu đồng/người/năm, cao gấp gần 10 lần so với năm 2008.

Xã Vân Hòa cũng là một trong những xã vùng dân tộc thiểu số miền núi khó khăn của huyện Ba Vì. Đến nay, Vân Hòa đã có những đổi thay rõ nét. Tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương, Vân Hòa tập trung phát triển các mô hình kinh tế gắn với du lịch, xây dựng thành công 27 sản phẩm OCOP (chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị), góp phần tích cực tăng thu nhập cho người dân. 

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, xã còn duy trì các hoạt động văn hóa, thể thao, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Trên địa bàn xã hình thành nhiều phong trào sôi nổi như "Sạch làng, đẹp ruộng", "Đoạn đường nở hoa", "Đoạn đường phụ nữ tự quản", "Đoạn đường an ninh tự quản"...

Tiếp tục phấn đấu thu hẹp khoảng cách về thu nhập

Dù có những kết quả ấn tượng nhưng công tác phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Hà Nội vẫn còn một chặng đường dài. Như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện công tác dân tộc gắn với Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Ban Dân tộc TP Hà Nội cho rằng, với Hà Nội, thực tế hiện nay, chênh lệch về thu nhập, giàu nghèo giữa vùng dân tộc thiểu số miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn thành phố còn khoảng cách khá xa. 

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chậm phát triển và dễ bị tổn thương. Các cơ quan công tác dân tộc, đội ngũ những người làm công tác dân tộc từ thành phố đến cơ sở cần có những chủ trương sát, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn để có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh bền vững nhưng vẫn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, hồn cốt của dân tộc.