Từ khi có điện lưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt giúp đồng bào vùng khó khăn cải thiện cuộc sống, làm đổi thay tích cực bộ mặt thôn bản. 

Bản Nà Ngựu xã Phì Nhừ có gần 80 hộ đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Bản nằm cách trục đường Trại Bò đi Mường Luân chưa đầy 2 km nhưng nhiều năm qua bà con trong bản không được thụ hưởng ánh sáng từ lưới điện quốc gia. Để có điện sử dụng, nhiều hộ gia đình đã bỏ tiền mua máy phát điện loại nhỏ về đặt ở suối gần bản nhưng điện nước chập chờn không đủ để phục vụ nhu cầu thiết yếu, nhất là thắp sáng. Chính vì vậy, không thể diễn tả hết niềm vui mừng của bà con trong bản khi đường dây 0,4 kv dài gần 2 km được kéo vào bản đảm bảo cấp điện cho 100% các hộ gia đình.  Giờ đây, điện không những đủ thể thắp sáng mà còn đủ để xem ti vi, chạy tủ lạnh, chạy máy xay xát… Đời sống tinh thần, vật chất của bà con trong bản được cải thiện đáng kể so với trước khi chưa có điện lưới quốc gia.

Ảnh minh hoạ

Điện lưới về là một trong những đổi thay lớn nhất đáp ứng khao khát suốt bao năm của đồng bào xã vùng cao Háng Lìa. Tầm quan trọng của điện có thể thấy rõ giữa những bản đã có điện và những bản đường điện chưa thể tới được. Tại 5 bản nằm cách xa trung tâm xã từ 8 – 18 km như Huổi Va A, B, Huổi Sông…chưa có điện điều kiện sinh hoạt của đồng bào khó khăn hơn nhiều và các hộ gia đình vẫn trăn trở tìm hướng thoát nghèo. Trong khi đó, tại 5 bản ở gần trung tâm xã như Tìa Mùng A, B, Háng Lìa A, B…qua 4 năm có điện đã góp phần đáng kể vào việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con nhân dân. Thông qua việc sử dụng ti vi, đài đã tạo thêm một kênh thông tin quan trọng tuyên truyền chủ trương đường lối của đảng, pháp luật của nhà nước, giúp người dân nâng cao trình độ dân trí, tiếp cận khoa học kỹ thuật, cách làm ăn mới… Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế xuất hiện, số hộ nghèo giảm qua từng năm.

Bá Thước là huyện miền núi nằm phía Bắc Tây Bắc của tỉnh Thanh hóa, chủ yếu là dân tộc Thái, Mường và một số ít dân tộc Kinh. Đây cũng là 1 trong 11 huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hoá. Với 3/4 là đồi núi, bị chia cắt bởi hệ thống sông suối, cuộc sống của người dân nơi đây thực sự còn nhiều khó khăn, vất vả. Tại thôn Cả (xã Ban Công) có 253 hộ dân, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đường núi hiểm trở khó đi. Trước đây, điện áp 1 pha không đủ cho bà con sử dụng. Nhà nào nấu cơm trước thì chín trước, nhà nào nấu muộn sau thì ăn cơm sống. Từ khi ngành điện đưa thêm điện 3 pha về, người dân vùng núi có thể sử dụng được cả các thiết bị đèn, quạt, tủ lạnh, tivi màu, và máy xay xát phục vụ đời sống… 

Sau hơn 30 năm định cư, nguồn điện lưới quốc gia cũng đã về tới bản Yên, phục vụ thiết thực nhu cầu sinh hoạt, góp phần phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong lao động, sản xuất của người dân; đồng thời đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; tạo một tiền đề vững chắc để người dân xây dựng bản làng ngày một ấm no.

Cuối năm 2021, điện lưới quốc gia đã đến với 140 hộ dân sinh sống tại 2 bản Tìa Khí và Phi Én, thuộc xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Trong bản chủ yếu là người H’Mông, chưa có điện nên điều kiện kinh tế rất khó khăn. Giờ đây, nhân dân 2 bản vui và phấn khởi lắm. Nhờ có điện, cuộc sống của dân bản đang dần tốt hơn, học sinh sử dụng nguồn điện lưới quốc gia thắp sáng để học bài, thay cho việc phải sử dụng nến, đèn dầu thắp sáng như trước đây.

Từ khi có điện, đời sống của hơn 600 hộ dân sinh sống với hơn 2.500 nhân khẩu là người dân tộc Dao ở xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai từng bước được nâng cao. Điện về không chỉ mang theo ánh sáng văn hóa, các thông tin thời sự được cập nhật tốt hơn mà người dân còn có thể thay đổi tập quán sản xuất. Nhiều bà con xã Phìn Ngan đã thực sự thoát nghèo. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều mô hình kinh tế được hưởng lợi từ điện, đem lại hiệu quả cao cho các hộ dân".

Việc đầu tư phát triển điện khí hóa nông thôn trong 10 năm qua đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện về vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Những dòng điện lưới quốc gia đến với bà con vùng sâu, vùng xa thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với bà con. Với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sẽ tiếp tục đưa ánh sáng điện  lan toả, mang lại hiệu quả xã hội, đặc biệt là vấn đề an sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Linh Trang và nhóm PV, BTV