Dù khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt là điều nên làm, nhưng chính các nhà sản xuất cũng cần phải chú tâm hơn đến thị trường nội địa.
Cuộc tranh cãi nóng nhất trong những ngày nóng đỉnh điểm năm nay có lẽ là sự kiện ra mắt smartphone “thương hiệu Việt” của tập đoàn công nghệ Bkav.
“Thật không thể tin được! Không thể tin được! Không thể tưởng tượng nổi!”
Phát ngôn của ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc của Bkav, về chiếc điện thoại Bphone của hãng phút chốc trở thành hiện tượng trên mạng xã hội. Nó cũng là thanh gươm chia dư luận ra làm hai: một phía ủng hộ Bkav, cho rằng cần phải tự hào và ủng hộ cho những sản phẩm như vậy. Phía còn lại cho rằng tuyên bố của Bkav là “nổ”, sản phẩm chưa có tầm vóc và không xứng đáng đại diện cho trí tuệ Việt.
Cuộc tranh cãi này có lẽ sẽ khó có hồi kết. Và trong bài báo này, người viết cũng không đi vào câu chuyện một sản phẩm, vì dù như thế nào, số phận của nó vẫn do thị trường quyết định.
Nhưng nó đưa chúng ta đến một câu hỏi lớn hơn về vai trò của “lòng yêu nước” trong việc tiêu dùng các sản phẩm nội địa, đặc biệt là ở một thời đại mà bất cứ cái gì cũng có thể “xách tay” hoặc nhập từ nước ngoài về.
Buổi ra mắt điện thoại "không thể tin nổi" của ông chủ Nguyễn Tử Quảng. Ảnh: VnExpress |
Doanh nghiệp quên khách nội?
Theo quan điểm tác giả, vấn đề "tự hào dân tộc" đặt trong bối cảnh toàn cầu hoá, sẽ mang tính hai chiều. Một mặt nó giúp thúc đẩy sự đoàn kết của quốc gia khi hội nhập, nhưng mặt khác, nó dễ dẫn tới việc bảo thủ, không chịu tiến bộ. Bởi trong kỷ nguyên mà thế giới trở thành một sân chơi chung, việc so sánh chất lượng giữa các sản phẩm là hết sức rõ rệt và dễ dàng. Chỉ bằng một vài click chuột, sẽ có hàng triệu website cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về sản phẩm tương tự nhau.
Người ta có thể thuyết phục khách hàng mua vì lòng yêu nước được một vài lần, nhưng không thể lúc nào cũng vậy nếu chất lượng hàng hoá quá chênh lệch so với các sản phẩm bên ngoài.
Vì thế, kêu gọi tinh thần dân tộc trong việc tiêu dùng hàng hoá trong nước chỉ hợp lý, nếu chất lượng hàng nội có thể cạnh tranh được với hàng ngoại.
Chúng ta hay nhắc đến trường hợp người Nhật thích dùng sản phẩm nội địa. Thế nhưng, họ chỉ dùng hàng nội bởi chất lượng còn tốt hơn hàng dành cho xuất khẩu. Không phải ngẫu nhiên mà người Việt lại chuộng các mặt hàng công nghệ “xách tay” từ Nhật về, dù hướng dẫn sử dụng không ai hiểu gì.
Ở Việt Nam, có một nghịch lý là phần lớn những sản phẩm có chất lượng chúng ta đều muốn dành cho xuất khẩu. Phải đến khi ra nước ngoài sống một thời gian, tôi mới được ăn fillet cá ba sa mua tại siêu thị ở Châu Âu. Không kể đến những mặt hàng gia công, nhiều sản phẩm chất lượng ở trong nước chỉ có thể mua được ở nước ngoài. Với những người tiêu dùng nội địa, đó có thể coi là một sự thiếu tôn trọng.
Chính vì vậy, dù khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt là điều nên làm, nhưng chính các nhà sản xuất cũng cần phải chú tâm hơn đến thị trường nội địa. Trong nền kinh tế thị trường, điều quan trọng nhất vẫn là “thuận mua vừa bán”. Phát triển kinh doanh một cách bền vững cần chất lượng hơn là tình cảm. Vì thế, tôi cho rằng việc nhiều doanh nghiệp gần đây, như Bkav, tập trung phát triển thị trường trong nước nên được hoan nghênh và khuyến khích.
Cái nhìn cảm thông hơn
Nói đi cũng phải nói lại, câu chuyện Bphone bị “ném đá” cũng bộc lộ những cản lực trong việc phát triển hàng Việt Nam chất lượng cao. Có hẳn một website để nhạo báng Bkav, vài bài nhạc chế, hàng chục tấm ảnh tạo hiệu ứng viral (lan truyền) trên mạng xã hội, hay thậm chỉ là có người giả vờ đăng ký rồi huỷ đơn đặt hàng Bphone để mua vui. Nhiều hành động chỉ để vui thật, nhưng có những hành động trực tiếp gây thiệt hại đến cho doanh nghiệp.
Tôi không phản đối việc phê phán và châm biếm, bởi đó là một phần của quyền tự do thể hiện, một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Phê phán cũng thức tỉnh người trong cuộc rất nhanh, tạo cho họ cơ hội sửa chữa và cải thiện sản phẩm.
Tuy nhiên, những sự phê phán nào thiếu logic, vô căn cứ, và không mang tính xây dựng thì sẽ có hại nhiều hơn là lợi. Và cái hại này về dài hạn sẽ tác động chính chúng ta, chứ không chỉ cho doanh nghiệp, khi sản phẩm trong nước mãi mãi bị chìm dưới bóng hàng ngoại.
Các sản phẩm mới ra đời có thể chất lượng còn kém, cũng như một cửa hàng mới khai trương có thể dịch vụ không tốt. Nhưng không có sự vĩ đại nào mà không có sự khởi đầu. Người ta thường hay nhắc đến nước Nhật với các sản phẩm có chất lượng tuyệt hảo, nhưng không nhiều người để ý rằng thương hiệu “Made in Japan” từng đồng nghĩa với cấp thấp, kém chất lượng hồi những năm 1950.
Khi đó, nước Nhật mới trải qua Chiến tranh Thế giới thứ 2, các doanh nghiệp phải học “copy” công nghệ phương Tây để sản xuất. Chất lượng hàng hoá làm ra rất kém. Một vở hài kịch trên truyền hình Mỹ lúc đó kể về ngày làm việc tồi tệ nhất trong đời của một anh nhân viên văn phòng tại New York. Quá chán nản, anh này rút súng tự vẫn khi trở về nhà. Nhưng súng không nổ bởi nó “made in Japan”.
Chỉ sau đó vài thập kỷ, không một ai cười trước công nghệ của người Nhật. Hàng hoá Nhật trở thành biểu tượng toàn cầu về chất lượng, thậm chí đánh bại cả người Mỹ ngay trên sân khách. Bí quyết thành công của họ, không có gì khác ngoài phương châm “Cải tiến liên tục” (Kaizen), nguyên tắc kinh doanh khởi đầu từ tập đoàn Toyota.
Chúng ta không thể kỳ vọng sẽ có những sản phẩm số một thế giới mang thương hiệu Việt một sớm một chiều. Sẽ phải mất rất nhiều thời gian và nỗ lực của nhiều phía để khiến điều đó thành sự thực. Nhà nước tạo những điều kiện kinh doanh, nghiên cứu và phát triển (R&D) thuận lợi; doanh nghiệp phải nỗ lực để “cải tiến liên tục”; và người tiêu dùng, có lẽ nên có cái nhìn cảm thông hơn với sản phẩm trong nước.
Tự hào dân tộc không thể hiện ở hình ảnh chúng ta thể hiện ra, ở những tranh cãi vô nghĩa lý, mà là hành động. Biết “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, tôi tin rằng hàng Việt sẽ có một tương lai tươi sáng trong thời đại cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Nguyễn Khắc Giang (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR)