Những người lương hưu quá cao và ở mức cao hơn trung bình nên có sự chia sẻ cho những người có mức lương hưu thấp hơn, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo đối với những người về hưu.
 
Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) đang nghiên cứu điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ giữa người hưởng cao và thấp.

Thực hiện Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH, Bộ LĐ-TB-XH hiện đã bắt tay vào nghiên cứu Đề án điều chỉnh lương hưu, để đảm bảo sự chia sẻ giữa người hưởng lương hưu cao và thấp.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam tới hết tháng 10/2019, số người hưởng lương hưu trên cả nước là hơn 2,54 triệu người, với mức lương bình quân hơn 4,9 triệu đồng/người/tháng.

{keywords}
Những người lương hưu quá cao và ở mức cao hơn trung bình nên có sự chia sẻ cho những người có mức lương hưu thấp hơn, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo đối với những người về hưu

Trong đó, mức lương hưu thấp nhất là 346.700 đồng/người/tháng, mức lương hưu cao nhất hơn 116 triệu đồng/người/tháng; Số người hưởng lương hưu dưới mức lương bình quân là hơn 1,6 triệu người, số người hưởng trên mức lương bình quân hơn 928.000 người.

Đặc biệt, có 9 người hưởng mức lương hưu bình quân trên 68,8 triệu đồng, đều thuộc khối doanh nghiệp. Số người hưởng lương hưu cao chủ yếu thuộc khu vực doanh nghiệp do những người này khi còn làm việc có mức đóng BHXH trên cơ sở mức lương cao, hầu hết họ từng là lãnh đạo doanh nghiệp nghỉ hưu.

Nhận thấy những bất cập nói trên, nhiều chỉ đạo yêu cầu cải cách chính sách BHXH, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.

Từng phát biểu về vấn đề này, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay, chính sách BHXH thay đổi từ đơn tầng sang đa tầng.

Đa tầng tức là có 3 tầng cụ thể. Tầng thứ nhất là đảm bảo mức an sinh xã hội tối thiểu cho người dân và đảm bảo độ bao phủ toàn dân phải có BHXH.

Tầng thứ hai là theo chính sách có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp. Tức là theo nguyên tác đóng hưởng. Trong tầng này phải được minh bạch, người lao động có tài khoản cá nhân để theo dõi đóng góp. Như hiện nay, doanh nghiệp đóng 14%, người lao động đóng 8%.

Tầng thứ ba là hưu trí bổ sung, doanh nghiệp và người lao động có điều kiện sẽ đóng thêm tiền để khi người lao động về hưu có thêm thu nhập.

"Bên cạnh đó, chính sách bảo BHXH lần này có sự chia sẻ trong hệ thống BHXH. Các thế hệ chia sẻ cho nhau. Ví dụ, thế hệ đi trước, lương rất thấp dưới 1,3 triệu đồng, phải điều chỉnh để mức thấp nhất của những người tham gia BHXH bắt buộc khi về hưu lương không thấp hơn mức tiền lương cơ sở, như hiện nay là 1,3 triệu đồng và từ 1/7/2018 là 1.390.000 đồng. Có nghĩa là những người đóng sau chia sẻ với những người đóng trước". TS Lợi giải thích.

"Hiện nay, ở nước ta có khoảng 200.000 người có tiền lương hưu từ 10 triệu đồng tới 101 triệu đồng/tháng. Những người lương hưu quá cao và ở mức cao hơn trung bình nên có sự chia sẻ cho những người có mức lương hưu thấp hơn, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo đối với những người về hưu. Đây chính là nguyên tắc chia sẻ trong hệ thống BHXH đang hướng vào năm 2021", đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho biết.

(Theo NLĐ)