Ít người biết, chương trình hòa nhạc "VietNamNet - Điều còn mãi" có kỷ niệm sâu sắc với một người vĩ đại vừa ra đi: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

1.

2h chiều ngày 2/9 hằng năm, từ năm 2009, tại khán phòng hòa nhạc Nhà hát Lớn (Hà Nội), chương trình hòa nhạc mang tên “Điều còn mãi” do báo VietNamNet tổ chức đã là nơi cháy lên tình yêu Tổ Quốc trong mỗi người đến dự. Ít người biết, chương trình hòa nhạc này có kỷ niệm sâu sắc với một người vĩ đại vừa ra đi: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vào 31/12/2005, ngày cuối năm, đoàn nhà báo VietNamNet đến chúc mừng năm mới Đại tướng, khi ấy ông còn rất khoẻ. Ông ngồi nói chuyện thân tình, minh mẫn nhớ và kể lại câu chuyện ở huyện Nguyên Bình, nơi có khu rừng chiến khu Trần Hưng Đạo đã đi vào sử sách;  ở Hoà An, một huyện lỵ rất nhỏ của tỉnh Cao Bằng đã in dấu chân những ngày đầu của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được hình thành ngày 22/12/1944, rồi mở màn bằng  các chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần để quân số tăng lên cấp đại đội. Tới ngày 16/8/1945, dưới bóng cây đa Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 ra lệnh cho Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân hành quân về Hà Nội. Quân đội Nhân dân Việt Nam tiền thân hình thành bắt đầu từ đó.

{keywords}

Nguyên Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn tặng hoa và đón nhận lời chúc của Đại tướng: "Chúc VietNamNet ngày càng NET"

Cao Bằng, một tỉnh miền núi biên viễn vùng Đông Bắc, nơi có hang Pắc Bó, suối Lenin, nơi đã từng in dấu chân ông và một con người vĩ đại khác của Tổ quốc: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi Đại tướng viết lời chúc ngắn gọn: "Chúc VietNamNet ngày càng NET" lên tấm thiệp, như lời nhắn nhủ của một trong những người suốt cuộc đời góp sức mình giành độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước này tặng những người làm báo VietNamNet chúng tôi.

Tháng 4/2009, tôi có ý tưởng và triển khai tổ chức buổi hoà nhạc vào đúng giờ khắc thiêng liêng Việt Nam tuyên bố độc lập: 2 giờ chiều 2/9 hàng năm. Chương trình sẽ  biểu diễn các bản nhạc được viết theo phong cách giao hưởng, thính phòng của âm nhạc Việt Nam để gìn giữ, khơi dậy lòng yêu nước, đồng thời trân trọng, cổ vũ phát triển dòng âm nhạc này.

Tôi bàn với nhà văn hoá Việt Phương, cố vấn chương trình, mời nhạc sỹ Dương Thụ làm tổng đạo diễn nghệ thuật ,

Tháng 8/2009, tôi và nhà văn hoá Việt Phương mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời chúc mừng cho chương trình Hoà nhạc. Nhà văn hoá Việt Phương liên hệ với anh Nguyễn Văn Huyên, thư ký của Đại tướng.

Anh Huyên thông tin lại: mặc dù Đại tướng đang rất mệt, nhưng ông vẫn đồng ý sẽ gửi lời chúc cho chương trình. Ông đã nhắn như sau: Chúc mừng Hoà nhạc VietNamNet - Điều còn mãi. Mong "Điều còn mãi" - tình yêu Tổ quốc vang vọng mãi trong lòng và cổ vũ hành động của mọi người Việt Nam ta. Hà Nội, tháng Tám năm 2009. Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Chiều 2/9/2009, nắng đầu thu vàng rực trên từng kẽ lá, dưới lá cờ Tổ quốc cỡ lớn đúng bằng kích thước lá cờ treo trên Nhà hát Lớn vào ngày lịch sử mùng 2 tháng 9 năm 1945, cả Nhà hát Lớn đã vang dậy tiếng vỗ tay bày tỏ lòng kính trọng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi tôi đọc lời chúc mừng của Đại tướng tại thời khắc hoà nhạc “VietNamNet - Điều còn mãi” lần đầu tiên bắt đầu.

Đến nay, chương trình đã tổ chức đến năm thứ 5.

2.

18h09' ngày 4/10/2013, toàn thể con dân Việt Nam lặng người khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về với Bác Hồ. Người học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch cuối cùng cũng đã không thể nào vượt qua được quy luật của tạo hóa.

Đất nước này giành được độc lập, thống nhất bằng sự hy sinh máu thịt và cả cuộc đời của hàng triệu con dân nhiều thế hệ, trong đó ông là người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là anh Văn của những người đeo quân hàm trên vai, mặc quân phục màu xanh đang ngày đêm canh giữ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước này.

Năm 1985, John McCain, một cựu tù binh từng bị bắt giam 5 năm rưỡi tại Hà Nội, hiện nay là một thượng nghị sỹ Mỹ tới thăm chào tướng Giáp. Người anh Cả của đội quân mà Stanley Karnow (nhà báo kiêm sử gia và tác giả một bộ phim tài liệu nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam), miêu tả "mặc áo vải, đi dép lốp", đã đứng dậy nói với người lính từng ở bên kia chiến tuyến: "Chúng ta chỉ là kẻ thù danh dự".

Lời nói đó cũng có thể là một lý do khiến John McCain, một nghị sỹ của đảng Cộng hòa, đã đứng sát cánh và luôn duy trì sự ủng hộ tuyệt đối với Bill Clinton, tổng thống Mỹ nhưng là người của phe Dân chủ, để 10 năm sau, năm 1995, Việt Nam và Mỹ, 2 cựu thù, đạt được bước ngoặt bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

{keywords}

Lời chúc mừng năm mới "Chúc VietNamNet ngày càng Net" Xuân Bính Tuất 2006.

Ngoài là một chỉ huy quân sự tài ba, tướng Giáp còn là một nhà giáo, một nhà báo, một nhà ngoại giao. Người Mỹ có một câu nói nổi tiếng bộc lộ đặc trưng tính cách dân tộc: "Thà có một kẻ thù xứng đáng, còn hơn có một người bạn hèn". Và tướng Giáp có thể đã diễn giải điều đó theo cách của mình.

Stanley Karnow bình luận: "Sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Ông là một vị tướng tự học, và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối".

Một triết gia phương Tây từng viết: "Khi bạn sinh ra, bạn khóc trong khi những người khác đều mỉm cười. Hãy sống để khi nằm lại, bạn có thể mỉm cười trong khi mọi người đều khóc. Họ khóc vì hạnh phúc đã được biết đến một người như bạn". Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống một cuộc đời để mọi người dân từng bị nô dịch trên trái đất này luôn phải nhớ tới nụ cười của ông.

Trong niềm kính mến, thương tiếc Đại tướng, mỗi chúng ta nên tự hỏi mình rằng, làm thế nào để trong thời đại ngày nay, quân đội nhân dân Việt Nam lại có được những vị tướng văn võ song toàn, nhân cách cao cả, trí tuệ lớn, luôn nguyện dâng hiến cuộc đời mình để bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc, bảo vệ nhân dân như Đại tướng Võ Nguyên Giáp? Chúng ta ghi nhớ và nguyện cùng nhau làm tất cả những gì có thể để "Điều còn mãi - Tình yêu Tổ quốc vang vọng mãi trong lòng và cổ vũ hành động của mọi người Việt Nam ta", cùng nhau biến những lời chúc, căn dặn và ước nguyện của Đại tướng trở thành hiện thực .

Nguyễn Anh Tuấn

(TBT Diễn đàn toàn cầu Boston, Nguyên TBT báo VietNamNet)

Tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hai người phụ nữ phía sau vị Tướng huyền thoại

Khoảnh khắc quay lại nhìn  vợ con trên con đường Cổ Ngư năm ấy, Võ Nguyên Giáp đã không ngờ được rằng đó là những khoảnh khắc cuối cùng ông được nhìn thấy người vợ mà ông rất đỗi yêu thương.

Tinh anh Đại tướng mãi cùng đất nước

 Anh linh của Người vẫn sẽ sống, bảo vệ đất nước trước mọi kẻ xâm lược, trước mọi cái ác, sự tăm tối và lầm lạc.

Tướng Giáp, McNamara và "bảo hiểm quốc gia"

Có môi trường nhằm tạo ra những thiên tài “tướng Giáp” để đương đầu với “McNamara” trong thời đại với biên giới quốc gia trở nên mong manh hơn bao giờ hết, là chìa khóa để đưa đất nước đi lên.

Đã khuất bóng một huyền thoại

Không phải chỉ vì huyền thoại khuất bóng mà sự ra đi của ông còn là sự thiếu vắng của những giá trị tinh thần, văn hóa cao đẹp, đem lại niềm kiêu hãnh vốn có của người Việt.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên:“Từ lúc nghe tin, tôi không ngủ được”

 “Mất đi một con người như thế, không chỉ với tôi mà với toàn quân, toàn dân, với mỗi người chúng ta ngồi đây cũng đều đau lòng. Từ lúc nghe tin Đại tướng từ trần đến giờ tôi không ngủ được”.

Anh Văn, người duy nhất xứng phong nguyên soái

Anh Văn có uy tín và ảnh hưởng rất lớn trong nhân dân, được kính trọng và yêu quý. Đấy là người chỉ huy quân sự duy nhấ́t của nước ta xứng đáng được phong là nguyên soái.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người thức thời

Không chỉ là thiên tài quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một con người hết sức thức thời…

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam