Đây là năm thứ 13 Hoà nhạc Quốc gia Điều còn mãi - sự kiện âm nhạc quốc gia đặc biệt do Báo VietNamNet phối hợp với IBgroup Việt Nam tổ chức sản xuất vào ngày Quốc khánh 2/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình tôn vinh âm nhạc và lan tỏa thông điệp về tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc.

Thông điệp về tình yêu Tổ quốc là chủ đề xuyên suốt trong Điều còn mãi. Tuy nhiên, mỗi năm, Ban tổ chức đều mang đến cho công chúng trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài những câu chuyện sống động bằng âm thanh.
 

W-dcm 2024_75.jpg
Nhạc trưởng Olivier Fabrice Ochanine (người Pháp) trong tà áo dài truyền thống của Việt Nam do Hoa hậu Ngọc Hân thiết kế.

Từ đầu chương trình, nhạc trưởng Olivier Fabrice Ochanine (người Pháp) xuất hiện trong tà áo dài truyền thống Việt Nam, chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời với các nhạc công đa quốc gia, tấu lên bản Tiến quân ca (Quốc ca Việt Nam). Đây là một khởi đầu đặc biệt, mở ra câu chuyện âm nhạc hùng tráng nhưng thấm đẫm tự tình dân tộc và rung cảm sâu sắc.

Nhạc trưởng Olivier Fabrice Ochanine chia sẻ: “Âm nhạc không có biên giới, là ngôn ngữ kết nối con người mọi quốc gia. Tôi vinh dự khi là người mang quốc tịch Pháp và Mỹ, có mặt trong chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm ngày Quốc khánh Việt Nam. Tôi trân trọng từng khoảnh khắc sống và làm việc ở Việt Nam vì tôi có thể trò chuyện với bất kỳ ai khi ra đường, điều này ít xảy ra ở Pháp hay Mỹ.

Người dân Việt Nam giàu lòng nhân ái, không giữ những suy nghĩ về quá khứ mà luôn rộng mở tấm lòng. Đó là lý do dễ hiểu tại sao tôi muốn sống lâu dài ở Việt Nam, giống như nhiều bạn bè của tôi đã chọn sống ở đây thay vì nơi khác. Tuy nhiên, tiếng Việt là ngôn ngữ rất khó và tôi đã phải dành nhiều thời gian học tiếng Việt, cũng như tìm hiểu sâu về các tác phẩm, từ ca từ, giai điệu, tính chất và ngôn ngữ âm nhạc.

W-dcm 2024_41.jpg
Nhóm OPlus.

Âm nhạc Việt Nam ra đời cùng dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Mỗi tác phẩm đều ghi đậm những dấu mốc quan trọng, khắc họa những chiến công vang dội của quân và dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tác phẩm Ca ngợi Hồ Chủ tịch của nhạc sĩ Văn Cao được Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời và Dàn Hợp xướng Kosmos Opera vang lên thật đẹp. Dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Olivier, tác phẩm sống động như cuốn biên niên sử bằng âm thanh, đi từ chiến dịch này sang chiến dịch khác dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về tiếp quản Thủ đô trong rực rỡ cờ hoa.

W-dcm 2024_97.jpg
Ca sĩ Phúc Tiệp.

Mỗi địa danh lịch sử, mỗi tác phẩm ra đời đều in dấu bóng hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già dân tộc như trong Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Văn Cao và tiếp đó là một chuỗi những bài hát về Chiến thắng Điện Biên "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu mà theo như nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng bày tỏ, Hoà nhạc Quốc gia Điều còn mãi như một chuỗi liên hoàn, chơi thành liên khúc thậm chí không cần giới thiệu, kể câu chuyện về lịch sử từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho tới nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.

Tất cả được tái hiện qua các tác phẩm với ca từ phản ánh đời sống sinh hoạt của bộ đội, chiến sĩ, những hy sinh gian khổ từ chiến khu Việt Bắc, Chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi trở về tiếp quản Thủ đô. Những chiến thắng vang dội đó không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà đã lan tỏa ra toàn thế giới. Chính vì thế, The Ballad of Ho Chi Minh như một điểm nhấn lan toả những giá trị trường tồn trong chương trình năm nay.

W-dcm 2024_44.jpg
NSƯT Vũ Thắng Lợi.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho rằng: “15 tác phẩm là 15 câu chuyện sống động và giàu màu sắc, song những sáng tác ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khiến mỗi người dân đất Việt rung cảm, trân trọng bởi tầm vóc, trí tuệ của Người đã lan tỏa ra thế giới, được thế giới ghi nhận, tôn vinh là Danh nhân văn hoá.

Chọn bài hát The Ballad of Ho Chi Minh của nhạc sĩ Ewan Maccoll, lời Việt Phú Ân là muốn nhắc nhớ giá trị, tầm vóc lãnh tụ của dân tộc Việt Nam đã lan tỏa ra thế giới như thế nào. Phần trình bày của nhóm OPlus - một boy band trẻ trung với phần chuyển soạn mang phong cách tươi trẻ, hiện đại, là một sự kết hợp độc đáo. Có một chút phấn khích thú vị, tạo được cảm giác về không gian, thời gian với sự mở rộng nhiều chiều chứ không còn là câu chuyện của riêng Việt Nam nữa”.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng vốn là người giỏi nghề nhưng kín tiếng, song nhìn vào danh sách chương trình Hoà nhạc Quốc gia Điều còn mãi khiến tôi lo lắng đặt câu hỏi với anh về số lượng tác phẩm và việc chuyển soạn làm sao để không lặp lại chính mình.

W-dcm 2024_140.jpg
NSƯT Khánh Ngọc.

Cuộc trò chuyện với Trần Mạnh Hùng đã hoá giải mọi thắc mắc của tôi khi anh trải lòng: “Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ làm mới những tác phẩm đã đi cùng năm tháng. Bao nhiêu năm qua, tôi chỉ cố gắng lắng nghe và thấu hiểu hồn cốt trong từng lời ca, giai điệu để cảm nhận cách truyền tải đúng ý tác giả khi viết ra tác phẩm. Tôi không tìm cách làm khác đi chỉ để mọi người nghe thấy mới. Với tôi, cái mới phải tôn được giá trị thật của tác phẩm mà tác giả đã tâm huyết viết nên. Muốn thế, tôi phải lắng nghe, đi sâu vào bên trong tác phẩm, cố gắng đồng cảm với âm nhạc, ca từ của tác giả. Ví dụ, nhiều tác phẩm tôi phối đến 3-4 lần, nhưng mỗi lần lại thấy cần phải thay đổi cho phù hợp với từng ngữ cảnh, từng chương trình.

Bài Việt Nam quê hương tôi là một ví dụ. Tôi luôn tự đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời bằng những thanh âm, rung cảm sâu bên trong khi tiếp cận tác phẩm. Mỗi thời điểm, tôi lại muốn hiểu được cảm xúc ẩn sâu trong tác giả và họa lại để tôn vinh cảm xúc đó, để khán giả thấy được vẻ đẹp của các tác phẩm. Vì thế, tôi cố gắng khai thác tối đa tính năng, âm sắc của từng nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng, hay kết hợp với các nhạc cụ dân tộc, hợp xướng, nhóm bè và tốp ca để tôn vinh giá trị của tác phẩm. Mỗi tác phẩm có một vẻ đẹp riêng, nhưng tôi thực sự xúc động với Việt Nam quê hương tôi của nhạc sĩ Đỗ Nhuận - bài hát được chọn để kết thúc chương trình.

Điều còn mãi nhìn rộng ra, tôi thấy sự mới mẻ, đa dạng trong phong cách âm nhạc cũng như việc lựa chọn nghệ sĩ và dàn nhạc tham gia. Điều này cho thấy Ban tổ chức đã cân nhắc cẩn trọng.

Sự xuất hiện của những người trẻ, thậm chí có ca sĩ ít hát với dàn nhạc giao hưởng, là một thử thách, nhưng qua đó lại khơi gợi niềm tin vào thế hệ tiếp nối dòng chảy của âm nhạc cách mạng. Khơi gợi tình yêu Tổ quốc và tự tình dân tộc ở lớp trẻ thông qua âm nhạc là điểm nhấn đáng ghi nhận.

W-dcm 2024_172.jpg
Ca sĩ Bảo Yến.

Nguyễn Bảo Yến - ca sĩ trẻ nhất tham gia chương trình - bộc bạch: “Được tham gia Hoà nhạc Điều còn mãi là một sự kiện lớn đối với tôi. Dù rất áp lực khi làm việc với giám đốc âm nhạc và nhạc trưởng kỹ tính, nghiêm khắc và tính kỷ luật cao, đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn khắt khe, song đó vừa là cơ hội cũng là thách thức, buộc tôi phải nỗ lực vượt qua và tự tin vững bước”.

W-dcm 2024_101.jpg
Ca sĩ Trọng Tấn. 

Xuất hiện trở lại trong Điều còn mãi 2024, Trọng Tấn khẳng định đẳng cấp là một trong những ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc đỏ qua bài hát Bế Văn Đàn sống mãi. Với kỹ thuật điêu luyện, giọng hát khỏe, vang dày đầy nội lực, dù giai điệu bài hát không dễ nhớ và có cấu trúc giai điệu trúc trắc, Trọng Tấn đã làm chủ kỹ thuật, tiết chế giọng hát, thể hiện tình cảm thiết tha trong mỗi câu hát và bản lĩnh trong việc xử lý từng lời hát tròn vành, rõ chữ. Một bản chuyển soạn đẹp, một dàn nhạc giao hưởng đẳng cấp hoà với giọng ca đầy biểu cảm đã làm tác phẩm trở nên hoàn hảo khi cùng khán giả thăng hoa cảm xúc. 

W-dcm 2024_36.jpg
An Trần thổi saxophone bài "Tình ca Tây Bắc". 

Nghệ sĩ saxophone An Trần cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời đã gây ấn tượng với khán giả qua tác phẩm Tình ca Tây Bắc của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh, do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chuyển soạn. So với lần đầu tham gia Điều còn mãi, An Trần lần này thể hiện sự tự tin và phong thái đĩnh đạc hơn, với tiếng kèn thiết tha và đầy cảm xúc.

Với tôi, Điều còn mãi không chỉ là một buổi hòa nhạc, mà còn là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giúp thế hệ hôm nay hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. 

W-dcm 2024_109.jpg
Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời có các nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia. 

Hoà nhạc Điều còn mãi đã khép lại, song dư âm luôn khiến mỗi người, đặc biệt là ban tổ chức sẽ trăn trở để tiếp tục một hành trình mới. Tôi muốn mượn lời của nhạc trưởng Olivier thay cho lời kết: “Thật khó để chọn một tác phẩm yêu thích nhất vì mỗi tác phẩm đều có vẻ đẹp riêng, sự khác biệt và nét độc đáo. Có tác phẩm mang tính hào hùng, khí chất cách mạng, nhưng cũng có những bài rất tươi vui và trữ tình. 

Tuy nhiên, một trong những bản nhạc tôi rất ấn tượng là Symphonic Poem Điện Biên Phủ của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Tôi ấn tượng bởi tài năng của Trần Mạnh Hùng khi kết hợp nhiều yếu tố âm nhạc khác nhau trong một tác phẩm để tạo nên hình ảnh trận chiến đấu giữa Pháp với Việt Nam. Dù thời gian luyện tập khá hạn hẹp, tác phẩm vang lên khá thành công và tôi rất mong chờ sẽ được biểu diễn lại lần nữa”.

Symphonic Poem Điện Biên Phủ:

Trần Lệ Chiến