Theo CNN, câu hỏi thường trực của người Ukraina và có thể của cả các tướng lĩnh Nga những ngày này là "Rasputitsa có đến sớm không?".

Rasputitsa là thuật ngữ chỉ hiện tượng mặt đất trở nên lầy lội vào mùa xuân và việc đi lại ở Nga cũng như Ukraina trở nên khó khăn hơn. Thông thường, Rasputitsa ảnh hưởng nhiều nhất vào tháng 3, khi tuyết bắt đầu tan.

{keywords}
Tuyết năm nay mỏng hơn so với bình thường trên một con đường ở miền đông Ukraina. Ảnh: CNN

Ở phần lớn các vùng miền của Ukraina năm nay, thời tiết mùa đông ấm áp một cách khác thường. Khi nhóm phóng viên của CNN di chuyển từ thành phố cảng Mariupo ở phía đông tới Zaporizhzia ở miền trung Ukraina ngày 1/2, trời bắt đầu mưa. Người tài xế chở họ thốt lên: Lẽ ra giờ phải là thời điểm tuyết rơi.

Các chuyên gia phân tích hiện đang tranh cãi liệu thời tiết khác thường của mùa đông năm nay có thể ảnh hưởng đến bất kỳ kế hoạch quân sự nào của Nga hay không. Kremlin khẳng định không có ý định tấn công Ukraina nhưng phương Tây vẫn tỏ ra nghi ngờ khi chứng kiến Moscow huy động hơn 100.000 quân cùng với các vũ khí hạng nặng, xe tăng và tên lửa đạn đạo tới sát biên giới.  

CNN dẫn dữ liệu từ Copernicus, chương trình Quan sát Trái đất của EU, cho thấy phần lớn khu vực Đông Âu có nền nhiệt cao hơn trung bình trong tháng 1 vừa qua. Ukraina có nhiệt độ cao hơn 1-3 độ C so với mức trung bình 30 năm qua. Thực tế này được cho là do biến đổi khí hậu gây ra.  

Copernicus phản ánh thêm, trong tháng 1, "Đông Âu ẩm ướt hơn bình thường" và mặt đất ở Ukraina lầy lội hơn. Điều này có nghĩa là hoạt động chuyển quân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Svitlana Krakovska, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khí hậu Ứng dụng thuộc Viện Khí tượng Thủy văn Ukraina, cho rằng điều này không có gì đáng ngạc nhiên. "Những gì chúng ta thấy về lâu dài là số ngày tuyết phủ và những đêm băng giá sẽ giảm đi. Chúng ta đang chứng kiến khí hậu ở đây ấm lên nhanh hơn so với mức trung bình toàn cầu", bà trao đổi với CNN.  

{keywords}
Tuyết rơi ít hơn ở Mariupol, miền đông Ukraina. Ảnh: CNN

Đánh giá của Mỹ là Nga sẽ tấn công Ukraina dễ hơn nếu nhiệt độ giảm.

"[Tổng thống Nga Vladimir Putin] sẽ phải đợi một chút cho đến khi mặt đất đóng băng để ông ấy có thể băng qua", lãnh đạo Nhà Trắng Joe Biden nói tại một cuộc họp báo hồi tháng 1. Còn tại cuộc họp của Lầu Năm Góc mới đây, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, lý giải, khi mặt đất đóng băng, nó sẽ tạo ra các điều kiện tốt nhất cho các phương tiện quân sự di chuyển bằng bánh xích.

Giới chức Mỹ cho rằng, Tổng thống Putin biết rõ ông cần đưa ra quyết định trước cuối tháng 3.

Tuy nhiên, theo Dara Massicot, một nhà nghiên cứu chính sách cấp cao của Tập đoàn RAND, dù mặt đất đóng băng tạo thuận lợi cho quân Nga, đây vẫn không phải là yếu tố quyết định.

"Điều quan trọng cần biết là các tên lửa dẫn đường và chiến dịch tấn công trên không sẽ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố này", bà bình luận, đồng thời chỉ ra rằng các lực lượng Nga đã cải thiện năng lực đáng kể trong thập niên qua, với không quân có thể liên lạc và nhắm bắn mục tiêu tốt hơn, và nhiều trong số các phi công có kinh nghiệm chiến đấu ở Syria.

"Quân đội Nga được huấn luyện quanh năm nên họ có kinh nghiệm với các điều kiện thời tiết khác nhau", nữ chuyên gia cho biết và nhấn mạnh, tuy có thể đạt tốc độ tốt hơn trên nền đất đóng băng nhưng các xe tăng Nga vẫn không bị cản trở nhiều bởi địa hình yếu.  

{keywords}
Một ngươi lính bước dọc chiến hào ở Mariupol. Ảnh: CNN

Tầm quan trọng của địa hình cũng khác nhau tùy theo mỗi khu vực. Miền đông Ukraina chủ yếu là đất nông nghiệp, điều kiện lý tưởng cho xe tăng vận hành. Tuy nhiên, vùng biên giới phía bắc giáp Belarus có rất nhiều đầm lầy, có thể kìm chân lực lượng tấn công. Theo Viện nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ), ở một số nơi, các lực lượng cơ giới có thể khó di chuyển được qua đầm lầy.

Và, ảnh hưởng của thời tiết nhiều hay ít còn phụ thuộc vào loại hình và quy mô chiến dịch quân sự.

Ở giai đoạn đầu của xung đột, các cuộc tấn công trên không và bằng tên lửa có thể quan trọng hơn là điều động bộ binh. Các vị trí tiền tuyến của Ukraina ở miền đông không thay đổi trong nhiều năm qua, do vậy tên lửa và hỏa pháo tầm xa có thể nhắm đến mục tiêu mà không bị thời tiết chi phối.

>>> Tìm hiểu tình hình căng thẳng tại Ukraine hiện nay

Thanh Hảo

Ông Putin có thực sự muốn hạ nhiệt khủng hoảng Ukraina?

Ông Putin có thực sự muốn hạ nhiệt khủng hoảng Ukraina?

Đằng sau những phản ứng, cảnh báo cứng rắn với phương Tây, giới quan sát phát hiện các dấu hiệu ám chỉ Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn tránh leo thang khủng hoảng Ukraina.