Theo một cuộc điều tra bí mật của tờ The Sunday Times, Đại học Bristol là một trong 15 trường trong Nhóm Russell (gồm 24 trường đại học công ở Anh có chất lượng đào tạo cao và quan hệ mật thiết với nhau) cung cấp cho sinh viên quốc tế các khóa học chuyển tiếp đặc biệt kéo dài một năm. Sau khi hoàn thành có thể giúp những ứng viên này tiếp cận các bằng đại học top mặc dù điểm số thấp hơn so với mức bình thường.

Cuộc điều tra phát hiện ra rằng sinh viên quốc tế chỉ cần đạt được 3 điểm C, trong khi ứng viên ở Anh cần có điểm A*AA để được tham gia khóa học. Các sinh viên quốc tế trẻ hơn (16-17 tuổi) chưa thi bài thi A-level cũng được nhận vào các lộ trình với điều kiện đạt được 5 điểm B tại Chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông (GCSE).

hinh 1 9.png
Các trường đại học hàng đầu của Vương quốc Anh bị cáo buộc “mời chào” sinh viên nước ngoài chỉ vì họ trả học phí cao hơn.

Các lộ trình đặc biệt, được gọi là Chương trình Dự bị Đại học Quốc tế, là các khóa học kéo dài một năm được thiết kế để giúp sinh viên quốc tế đạt được trình độ học vấn tương tự như sinh viên Anh. Thông tin của The Sunday Times cho thấy các trường đã sử dụng các công ty du học trung gian ở Trung Đông, châu Phi và châu Á để tuyển sinh ứng viên vào khóa học dự bị quốc tế chi phí 16.000 bảng (khoảng 492 triệu đồng). Các công ty này được trả thù lao bằng 20% học phí.

Đại học Bristol bị cáo buộc đang trả tiền cho công ty Kaplan của Mỹ để tuyển dụng sinh viên nước ngoài cho Chương trình Dự bị Quốc tế của trường. Trong 5 năm, công ty này đã giúp trường đại học tăng số lượng sinh viên tham gia chương trình hàng năm từ 150 lên 450.

Mặc dù sinh viên Anh không thể đăng ký theo lộ trình này, nhưng người phát ngôn của Đại học Bristol cho biết nó “tương tự như các khóa học dự bị dành cho sinh viên Vương quốc Anh thông qua các lộ trình tiếp cận mở rộng, chẳng hạn như những năm học nền tảng về STEM, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội cũng như các chương trình chuyển giao để học Y học, Nha khoa và Khoa học Thú y”.

Các lộ trình này không đảm bảo ứng viên sẽ được nhận vào đại học vì sinh viên quốc tế phải đáp ứng một loạt yêu cầu đầu vào khác, bao gồm cả việc vượt qua các kỳ thi.

Tuy nhiên, trả lời bí mật The Sunday Times, một nhà tuyển dụng sinh viên đại học nói rằng việc vượt qua những kỳ thi kiểu này thường chỉ là hình thức vì chúng cực kỳ dễ dàng. Một quan chức tuyển dụng khác cho biết khóa học dự bị của sinh viên quốc tế dễ vượt qua hơn 70-80% so với mức bình thường.

Cũng theo điều tra bí mật của Sunday Times, bà Jane He, Giám đốc tuyển dụng quốc tế của công ty tư nhân Into, cho biết trung tâm mà họ quản lý cung cấp sinh viên nước ngoài cho Đại học Bristol. Bà giải thích rằng khóa học cơ bản dễ hơn A-level và tỷ lệ đậu là 90%. “Kiến thức học sinh quốc tế này đang học rất cơ bản”, bà nói.

Học phí của sinh viên quốc tế không bị ‘áp trần’

Được biết, năm học 2021-2022, số lượng sinh viên nội địa tăng hơn 41.000, trong khi du học sinh giảm hơn 7.300 so với năm trước đó, theo báo cáo của Cơ quan thống kê giáo dục đại học Anh (Hesa).

Một quan chức tuyển dụng đại diện cho bốn trường đại học thuộc Nhóm Russell đã giải thích rằng: “Họ (sinh viên quốc tế) trả nhiều tiền hơn và các trường đại học sẽ nhận được gần như gấp đôi, vì vậy họ dành nhiều thời gian và công sức hơn cho sinh viên quốc tế”.

Mặc dù học phí đối với sinh viên bản địa được giới hạn ở mức 9.250 bảng (khoảng 284 triệu đồng) mỗi năm, nhưng không có mức trần về phí đối với sinh viên quốc tế, do đó họ sẽ phải trả nhiều hơn. 

Các đại học được tự chủ tăng học phí với sinh viên quốc tế, có thể lên đến 40.000 bảng (khoảng 1,22 tỷ đồng) mỗi năm. Một cuộc điều tra của The Guardian năm 2023 cho thấy nguồn thu từ sinh viên quốc tế chiếm 1/5 thu nhập của nhiều trường. Để lấy bằng kinh tế ở Bristol, sinh viên nước ngoài phải trả 26.400 bảng (khoảng 811 triệu đồng) mỗi năm.

Với chi phí vận hành một trường đại học ngày càng tăng do lạm phát và hóa đơn năng lượng tăng cao, không có gì ngạc nhiên trước việc tăng số lượng sinh viên quốc tế thông qua phương pháp này lại quan trọng đối với trường đại học.

Thông tin này đã gây ra sự bất bình trong cộng đồng sinh viên bản địa Anh. “Thật không công bằng cho tất cả mọi người. Sinh viên quốc tế sẽ gặp khó khăn khi vào đại học vì khóa học được thiết kế dành cho sinh viên có điểm cao hơn nên họ có thể sẽ bị tụt lại phía sau hoặc phải nỗ lực rất nhiều để theo kịp”, một sinh viên kinh tế năm thứ ba Đại học Bristol nói.

 “Thứ hai, thật không công bằng khi chúng tôi phải tuân theo những tiêu chuẩn cao hơn. Nó sẽ khiến nỗ lực của chúng tôi bỏ ra để đạt được kết quả cao trở nên vô nghĩa nếu những người có 3 điểm C được phép vào cùng các khóa học”.

 “Hành động theo cách này có nguy cơ làm tổn hại đến danh tiếng lâu đời của ngành giáo dục đại học Anh và gây bất lợi một cách không công bằng cho những thanh thiếu niên Anh mong muốn được học tại các trường đại học hàng đầu thế giới ngay trên đất nước mình”, Giám đốc Viện Chính sách Giáo dục Đại học, Nick Hillman, cho biết.

Để giải quyết cáo buộc, tổ chức đại diện tiếng nói chung cho các trường đại học ở Vương quốc Anh (UUK) cho hay sẽ ủy quyền cho Cơ quan Đảm bảo Chất lượng đánh giá nhanh các khóa học dự bị, so sánh yêu cầu đầu vào của du học sinh và sinh viên nội địa. Ngoài ra, các đại học sẽ xem xét việc sử dụng công ty trung gian tuyển sinh và cập nhật các quy tắc tuyển sinh viên quốc tế.

Tử Huy