Ông T.K.D (67 tuổi, Bình Phước) bị suy thận mạn đã nhiều năm qua. Thời gian gần đây, ông D. đột nhiên thấy khó thở và mệt, phải nhập viện ở địa phương. Sau đó, các bác sĩ yêu cầu chuyển lên TP.HCM cấp cứu.

Ông D. trải qua 3 ngày chạy thận cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy và được chẩn đoán suy tim. Ông xuất viện sau 2 tuần điều trị tại Khoa Nội tim mạch kèm theo những yêu cầu khắt khe về dinh dưỡng và vận động, bên cạnh việc tái khám theo lịch. 

Bà Nguyễn Thị Hảo, vợ ông D., cho hay vì căn bệnh suy thận nên ông D. chủ yếu ăn đồ hấp và luộc, không ăn đồ chiên xào. Lần này, bệnh suy tim khiến ông càng phải kiêng khem nhiều hơn nếu không muốn biến chứng nặng nề phải đi cấp cứu. 

“Nhiều năm qua chồng tôi ăn nhạt, bỏ hẳn mắm muối nhưng thỉnh thoảng lại thích ăn mì tôm. Bác sĩ vừa tư vấn mì ăn liền không tốt cho người suy tim, suy thận. Từ giờ, chúng tôi phải kỹ hơn”, bà Hảo nói. 

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Diễm Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, người bị bệnh thận mạn tính thường lo lắng nhất nguy cơ suy thận và sợ phải lọc máu. Với người trên 65 tuổi, sự hiện diện của bệnh thận mạn có liên quan đến việc tăng gấp đôi tỷ lệ bệnh tim mạch. Bệnh thận mạn còn làm giảm khả năng sống sót sau cơn đau tim hoặc đột quỵ.

W-suy-than-2.jpg
Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu định kỳ. Ảnh: GL.

Bác sĩ Hương cho biết ở các nước công nghiệp phát triển, người ta ước tính hơn 24% trường hợp bệnh thận mạn có thể do yếu tố dinh dưỡng. Tại Mỹ, bệnh tiểu đường và tăng huyết áp chiếm ít nhất 70% tổng số người suy thận.

Do đó, người bệnh thận mạn cần được kiểm soát và tuân thủ chặt chẽ chế độ dinh dưỡng phù hợp. Theo bác sĩ Hương, thứ nhất, người bệnh cần lưu ý chọn các loại thức ăn ít muối và ít natri để kiểm soát huyết áp, giảm tải cho tim và thận.

Cụ thể như, khẩu phần chỉ chứa dưới 2.300mg natri (sodium) mỗi ngày, tương ứng với 1 muỗng cà phê gạt muối. Không thêm muối khi nấu nướng hay khi ăn. Không sử dụng các loại gia vị, rau quả chứa muối.

Người bệnh nên mua và sử dụng các thực phẩm tươi vì thực phẩm đóng gói thường được bổ sung muối. Kiểm tra lượng muối ghi trong thành phần của thực phẩm đóng gói. Lượng muối ≥20%/ngày có nghĩa thức ăn có hàm lượng muối cao.

Thứ hai, người bệnh thận mạn cần ăn đúng lượng và loại đạm để giúp bảo vệ thận, làm chậm tiến triển bệnh thận. Nếu lượng đạm quá nhiều, người bệnh có thể bị ảnh hưởng bất lợi trên chức năng thận. Ngược lại, lượng đạm quá ít sẽ gây suy dinh dưỡng, teo cơ bắp, nội tạng và sức khỏe bị suy giảm.

Loại đạm sử dụng cần chứa nhiều các acid amin thiết yếu. Lưu ý, đạm động vật và sữa có chứa đủ acid amin thiết yếu nhưng lại chứa nhiều phospho và mỡ bão hòa không tốt cho thận và tim (trừ đạm trong cá).

Trong khi đó, mỗi loại đậu, hạt, trái cây thường không chứa các loại acid thiết yếu nhưng lại chứa nhiều chất mỡ có ích cho cơ thể, nên cần kết hợp nhiều loại đạm thực vật trong ngày. Tuy nhiên, cần thận trọng khi bệnh thận đã ở giai đoạn tiến triển vì chứa nhiều kali.

Thứ ba, người bệnh cũng cần lựa chọn thức ăn tốt cho tim. Trong đó, tránh các thức ăn cháy khét, sử dụng dầu thực vật và tránh dùng mỡ động vật, loại bỏ mỡ và da khi dùng các loại thịt (bò, heo, gà, vịt...). Các loại thực phẩm tốt cho tim bao gồm cá, đậu, hạt, rau củ, thịt nạc, sữa chua, sữa ít/không chất béo.

Thứ tư, thực phẩm của người bệnh suy thận mạn phải ít phospho để giúp bảo vệ xương và mạch máu. Các thức ăn chứa ít phospho gồm rau, trái cây tươi, bánh mì, mì, gạo, ngũ cốc. Thức ăn chứa nhiều phospho cần hạn chế gồm thịt, gia cầm, cá, sữa, đậu, hạt...

W-20230829-115455-1.jpg
Một suất ăn cho người bệnh suy thận, suy tim phải được tính toán dinh dưỡng phù hợp. Ảnh: GL. 

Thứ năm, cần lựa chọn các thức ăn chứa lượng kali thích hợp để giúp hệ thần kinh, tim, cơ bắp hoạt động thích hợp.

Thứ sáu, người bệnh suy thận không nên uống quá nhiều nước vì chức năng thận không còn như bình thường, có thể gây nguy hiểm, khó kiểm soát huyết áp, phù và suy tim.

Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh thận và cách điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu hạn chế uống nước hoặc cắt giảm lượng nước uống vào mỗi ngày. Người bệnh nên uống nước từng ngụm, từng cốc nhỏ để kiểm soát được lượng nước nạp vào cơ thể.

“Tùy theo giai đoạn của suy thận, độ tuổi của bệnh nhân mà có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Những gì bạn ăn uống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Kiểm soát huyết áp và bệnh tiểu đường tốt có thể giúp ngăn ngừa bệnh suy thận tiến triển nặng hơn”, bác sĩ Hương nói.

Bên cạnh đó, người bệnh nên nghỉ ngơi, kết hợp tập luyện nhẹ nhàng, hợp lý để tránh mất sức. Ngủ đủ giấc và thói quen sinh hoạt tốt sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị bệnh suy thận.

Linh Anh