Chế độ ăn không hợp lý gây ra 19% số tử vong toàn cầu

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về chế độ ăn uống liên quan đến bệnh không lây nhiễm tại châu Á được Bộ Y tế tổ chức cách đây không lâu,  PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch, tiểu đường, phổi tắc nghẹn mạn tính và ung thư. Ước tính cứ trong 10 ca tử vong ở Việt Nam thì có gần 8 ca tử vong là do bệnh không lây nhiễm.

Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu 2017 được Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế (IDRC) báo cáo cho thấy, năm 2015, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của 15 triệu người trường hợp tử vong tại các quốc gia đang phát triển, tăng gần 3,8 triệu so với năm 2000. Chế độ ăn không hợp lý là nguyên nhân của hơn 19% tổng số ca tử vong toàn cầu năm 2017 và gần 70% các ca tử vong do bệnh động mạch vành.

TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc gia tăng các bệnh không lây nhiễm do 5 nhóm yếu tố nguy cơ chính gồm: Dinh dưỡng không hợp lý, hút thuốc lá, uống rượu bia, thiếu vận động thể lực và ô nhiễm môi trường. Trong đó, dinh dưỡng không hợp lý là nguyên nhân số 1 gây các bệnh không lây nhiễm, tạo ra những gánh nặng không chỉ cho từng bệnh nhân, gia đình, mà toàn xã hội.

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý là không bảo đảm về đầy đủ thành phần và cân đối các chất dinh dưỡng so với nhu cầu của cơ thể.

{keywords}

Tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp người dân nâng cao sức khỏe, dự phòng các bệnh không lây nhiễm tại Hà Nội.

Tại Việt Nam, số liệu điều tra của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy, có tới 60% người trưởng thành không bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý theo khuyến cáo. Đặc biệt, người dân Việt Nam ăn gấp đôi lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (trung bình 9,4g/người/ngày). Hầu hết ăn không đủ rau và trái cây, chỉ đáp ứng một nửa so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tức là phải đủ 400g/người/ngày. Mức tiêu thụ đường bình quân hiện nay ở mức gần 40g/người/ngày, gần gấp đôi khuyến của WHO (không quá 25g/người/ngày)…

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý trong khẩu phần ăn hàng ngày gia tăng nhanh tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Việt Nam: Từ 12% năm 2010 lên gần 16% dân số năm 2015.  

Báo cáo nghiên cứu tại Hội thảo quốc tế về chế độ ăn uống liên quan đến bệnh không lây nhiễm tại châu Á cũng cho thấy, ăn ít rau và trái cây là nguyên nhân của 19% số ca ung thư dạ dày, ruột; 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ và 11% số trường hợp đột quỵ. Ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác… Trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 ca tai biến mạch máu não…

Tăng cường dinh dưỡng hợp lý để dự phòng, kiểm soát bệnh không lây nhiễm

Sự gia tăng nhanh tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm hiện nay đã và đang tạo ra những gánh nặng cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện nay công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam vẫn còn đang tập trung nhiều vào điều trị ca bệnh, chưa có những quan tâm, đầu tư cho hoạt động dự phòng yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm và quản lý bệnh nhân tại cộng đồng.

Và hiện nay, Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo các địa phương tập trung giải quyết gánh nặng bệnh không lây nhiễm theo hướng tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ, khám phát hiện sớm, theo dõi, quản lý điều trị người bệnh toàn diện, liên tục tại y tế cơ sở.

Trong đó, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn hàng ngày là một trong các nhiệm vụ ưu tiên triển khai.  

Trong nội dung Chương trình Sức khoẻ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg, nhiệm vụ phòng chống các bệnh không lây nhiễm là một trong những nội dung trọng tâm. Trong giai đoạn 2018-2030, chương trình nhấn mạnh đến việc bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực; phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống tác hại của rượu, bia…

Đồng thời, chương trình cũng đặt ra nhiều mục tiêu như giảm tỷ lệ người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây từ 50% (năm 2025) xuống 45% (năm 2030); tương tự, giảm mức tiêu thụ muối/người/ngày từ dưới 8g (năm 2025) xuống dưới 7g (năm 2030)…

Minh Thanh

Cục trưởng Cục trẻ em: 'Bạo lực với trẻ tự kỷ là không chấp nhận được'

Cục trưởng Cục trẻ em: 'Bạo lực với trẻ tự kỷ là không chấp nhận được'

 - Người đứng đầu Cục trẻ em nhấn mạnh, bạo lực trẻ cả về mặt thể chất và tinh thần đều là hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật.