Nước ta không còn là bóng tối nhưng vẫn còn là vùng trũng của thế giới và chưa thật bừng sáng. Hãy làm cho đất nước bừng sáng rực rỡ hơn cả những thời kỳ bừng sáng nhất từng có trong lịch sử! Chúng ta cần phải và có thể làm được điều đó.
1. Trước hết cần nói rằng: Tôi không thích dùng cụm từ “ Thương hiệu” trong bài viết này. Bởi lẽ, nó rất dễ nhầm lẫn với thương hiệu hàng hóa. Một số người nghe tôi chia sẻ suy nghĩ đó cũng đồng ý với tôi. Nhưng theo yêu cầu của Ban Biên Tập, tôi vẫn sẽ dùng cụm từ đó. Hy vọng rằng, “trước lạ sau quen” Biết đâu, trong tương lai, khái niệm “Thương hiệu” có nội hàm như trong bài viết sẽ được thừa nhận và sử dụng rộng rãi.
Thương hiệu của một quốc gia là một tập hợp những cảm nhận của người trong nước và nhất là người nước ngoài về các phẩm chất đặc biệt, tạo ra sự khác biệt của người dân nước này, đất nước này với nhiều nước trên thế giới. Sự khác biệt này phải là sự vượt trội ở một hoặc một nhóm tiêu chí nào đó.
Trong lịch sử, dân tộc ta có truyền thống bất khuất chống kẻ thù xâm lược, dành và giữ độc lập. Hiếm có một dân tộc nào lại phải liên tục đương đầu với những thế lực xâm lược ngoại bang hùng mạnh như dân tộc ta.
Cũng hiếm có dân tộc nào lại có nhiều nữ anh hùng cứu nước như Việt Nam ta. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” đã trở thành đạo lý sống của người dân đất Việt”. Có biết bao nữ anh hùng trong lịch sử chống ngoại xâm: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, là những tấm gương tiêu biểu thời cổ-cận đại. Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Chiên, Bùi Thị Cúc, Nguyễn Thị Định, Võ thị Thắng, Út Tịch, đội quân tóc dài ở Miền Nam,…; các cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn,… ở Miền Bắc từ ngày có Đảng. Và, còn biết bao tên tuổi khác.
Chính thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cổ vũ, khơi dậy phong trào nổi dậy chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới dành độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia ở các nước Châu Á, Châu Phi, và Mỹ la tinh vào cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước.
Kiên cường bất khuất, dù phải hy sinh biết bao xương máu do tội ác dã man của kẻ thù nhưng với tác động giao thoa của Nho giáo và Phật giáo đã tạo cho người Việt Nam chúng ta có lòng khoan dung, nhân ái: khi bọn giặc bị đánh bại, cha ông ta vẫn cấp lương thực, ngựa, xe cho chúng về nước. Và, mặc dầu thực dân Pháp, Phát xít Nhật, Đế quốc xâm lược Mỹ cùng binh lính các nước chư hầu và bọn tay sai đã gây biết bao tội ác dã man “trời không dung, đất không tha” cho nhân dân ta, Đảng ta vẫn chủ trượng “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”.
Chủ trương này được đồng bào cả nước đồng tình ủng hộ. Chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với những nước vốn là kẻ thù cũ của nước ta; chúng ta cũng coi người việt dù sống ở đâu, không phân biệt quá khứ vẫn là con dân đất Việt, và là một phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.
Các danh ngôn nổi tiếng:” Con Rồng cháu Tiên”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy là khác giống nhưng chung một giàn” đã thể hiện phẩm chất đó. Đúng là chúng ta đã “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Đại cáo bình Ngô).
Cũng chính từ tác động giao thoa đó, dân tộc ta có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; kính trọng tổ tiên, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ; gắn kết chặt chẽ trong cộng đồng và sâu đậm tình làng nghĩa xóm.
Là cái nôi của nền “Văn minh lúa nước”, lại sống trong vùng vùng khí hậu khắc nghiệt; luôn phải chống chọi với thiên tai, bão tố, Người Việt chúng ta cần cù, chịu khó, có khả năng thích ứng cao với sự thay đổi của hoàn cảnh.
Thực hiện đường lối đổi mới và chủ trương đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, “Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế; phấn đấu vì hòa bình hợp tác và phát triển”, đất nước ta đã hội nhập sâu rộng trong một thế giới toàn cầu hóa và kết nối chặt chẽ. Chính những điều nêu trên tạo nên một sự cộng hưởng tác động làm cho bản lĩnh, phẩm chất Việt Nam có khả năng hội tụ và lan tỏa trong cộng đồng quốc tế.
Từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, sau khi Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, cụm từ “Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp” đã vang vọng năm châu.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, đã nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Tất cả những phẩm chất và thành tựu nêu trên đã tạo nên “thương hiệu” Việt Nam. Sức cuốn hút, quy tụ của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là thành công của năm APEC 2017 mới đây do Việt Nam đăng cai tổ chức trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động với những quan điểm trái chiều chẳng phải là là minh chứng hùng hồn đó sao?
2. Cùng với những di sản quý báu, tạo sức hội tụ và lan tỏa lớn, làm nên bản sắc và vị thế Việt Nam, nền văn minh lúa nước dựa vào kinh nghiệm và chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, manh mún, phân tán; năng suất lao động thấp, cũng làm cho không ít người Việt chúng ta quen lối làm việc tùy tiện, không ít trường hợp mang tính “chụp giựt”.
Tuy tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều người từ nông thôn ra thành phố sống đã lâu năm nhưng vẫn chưa thích ứng với “nếp sống đô thị”. Và, khi nói tác động tích cực của sự giao thoa giữa Nho giáo và phật giáo cũng cần chỉ ra những điểm yếu từ triết lý sống của các “giáo lý” này là chủ nghĩa duy tình và quan niệm “dĩ hóa vi quý”, không giám đi đến cùng của chân lý, không đề cao trách nhiệm cá nhân. Chính những điểm yếu đó đã hạn chế phần nào vị thế của chúng ta.
Trong khi đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra chậm chạp, tiềm lực kinh tế còn yếu đã làm hạn chế sức mạnh và vị thế Việt Nam.
Trong quá trình nghiên cứu sự chuyển đổi quyền lực giữa các nước trên thế giới, nhất là giữa Trung Quốc và Mỹ, Joseph Nye, Giáo sư khoa Chính trị Trường Jon.F.Kennedy đã đưa ra khái niệm “sức mạnh mềm” (Soft power). Trên những nét khái quát nhất, và còn rất sơ lược, sức mạnh mểm là tập hợp các yếu tố, phản ánh nhân sinh quan, bản sắc văn hóa, thái độ sống, ứng xử của người dân một nước trong sự so sánh với nước khác, tạo nên sức hấp dẫn, truyền cảm hứng, cuốn hút họ trở thành đồng minh hoặc ủng hộ mình, tạo nên “quyền lực mềm”
Có thể nói, sức cuốn hút của Việt Nam chúng ta từ trước đến nay chủ yếu là từ sức mạnh mềm.
Từ sau đổi mới, Sức mạnh cứng của đất nước tuy đã tăng lên đáng kể nhờ sự phát triển kinh tế với tốc độ cao liên tục trong hơn hai chúc năm qua nhưng GDP và thu nhập bình quân đầu người nước ta vẫn còn nằm trong vùng trũng của thế giới. Sự đóng góp của sức mạnh cứng (tiểm lực kinh tế và quốc phòng) vẫn còn thấp.
Chúng ta đang sống trong một thế giới phát triển rất nhanh, biến đổi không ngừng và cạnh tranh quyết liệt trong điều kiện cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang gõ cửa từng nhà; nước ta lại ở trong một khu vực địa chính trị đắc biệt nhạy cảm, nơi đang diễn ra cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.
Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phấn đấu, “tiến cùng thời đại”, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ mong muốn; xác lập vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, làm cho “thương hiệu Việt Nam” ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Muốn vậy, phải tiếp tục phát huy và nâng cao “sức mạnh mềm”, tăng cường ‘sức mạnh cứng”, tạo thành “sức mạnh thông minh” (Smart power).
Daron Acemoglu, giáo sư Trường MIT và James A. Robinson, GS trường Harvard (Mỹ) là đồng tác giả cuốn sách: “Tại sao các quốc gia thất bại”, trong cuốn sách này, hai ông chỉ rõ: Một quốc gia nghèo không phải là do thiếu tài nguyên, cũng không phải do thiếu vốn mà chủ yếu là do thể chế không tốt, không khơi dậy được các
nguồn lực và khả năng sáng tạo của con người.
Cũng với nhận thức đó, Đại hội XI của Đảng đã xác định ba đột phá chiến lược để đưa nước ta về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 nhằm thực hiện mục tiêu “ Xây dựng Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”. Đây chính là tầm nhìn, là khát vọng của chúng ta.
Ngược dòng lịch sử, ông cha ta đã thể hiện vị thế của nước ta.
Câu đối trong đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư đã hiên ngang khẳng định:
“Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo
Hoa Lư đô thị Hán Trường An”.
Nghĩa là:
“Nước Cồ Việt ngang hàng với nhà Tống đời Khai Bảo;
Kinh đô Hoa Lư như Tràng An của Nhà Hán”.
Trong Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi từng viết:
“:Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng văn hiến đã lâu….
Từ Triệu , Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường Tống, Nguyên
Mối bên hùng cứ một phương,…”
Ngày nay, với sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển rất nhanh rất mạnh của Khoa học-Công nghệ-sự phát triển nhanh này- đưa đến hai hệ quả: (i) quy mô không bằng tốc độ và (ii) Tư duy mạnh hơn kinh nghiệm. Một nước đi sau như nước ta có thể đuổi kịp, hơn thế, có thể vượt lên một nước đã có trình độ phát triển cao hơn nếu có tư duy và chiến lược phát triển đúng đắn.
Chính vì vậy, Chúng ta phải thực hiện quyết liệt, thiết lập cơ chế giám sát, bảo đảm việc thực thi, đo lường được kết quả cụ thể ba đột phá chiến lược này.
Trong ba đột phá đó, đột phá về thể chế có vai trò và tác động lan tỏa lớn. Thể chế tốt sẽ khơi dậy, phân bổ và sử dụng hiệu hiệu quả các nguồn lực, kể cả nguồn lực con người. Và do đó, nó vừa tạo ra “sức mạnh cứng”, vừa gia tăng “sức mạnh mềm”. Đột phá này cũng góp phần “Phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao”. Cần lưu ý rằng, chất lượng nguồn nhân lực (bao gồm kiến thức, kỹ năng làm việc, phẩm chất, văn hóa sống,…) là sức cạnh tranh dài hạn của một Quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra.
Thể chế và chất lượng nguồn nhân lực cũng sẽ tạo xung lực để “Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng các đô thị lớn” do nó khơi dậy được nguồn vốn xã hội, do tầm nhìn và chất lượng quy hoạch hệ thống nhờ chất lượng nhân lực tăng lên. Đột phá này vừa tạo ra “sức mạnh cứng”, giúp giảm chi phí, tăng năng suất lao động xã hội, nâng cao giá trị gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Nó cũng góp phần tạo ra sức mạnh mềm nhờ thúc đẩy giao lưu, hôi nhập giữa các vùng miền, giữa các quốc gia.
Tiềm năng gia tăng sức mạnh cứng ở nước ta còn rất lớn. Nên nhớ rằng, từ một nước kém phát triển năm năm 1975; GDP/ đầu người chỉ là 608 USD[i], (thấp hơn mức 750 USD là chuẩn thu nhập tính theo đầu người để xác định nước kém phát triển theo tiêu chí của Liên Hiệp Quốc) điều kiện tự nhiên lại khó khăn hơn Việt Nam nhưng chỉ trong chưa đầy ¼ thế kỷ Hàn Quốc đã trở thành một nước phát triển thuộc OECD.
Trong vòng 15 năm từ 1968-1982, nước này đạt tốc độ tăng GDP bình quân là 9,66%/năm và năm 2015 GDP tính theo đầu người của Hàn Quốc đã là 27.221,52USD. Cũng trong thời gian 15 năm, từ 1992-2006, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 10,46%/năm. Năm 2015, GDP bình quân/đầu người của họ là 7.9924,65 USD.
Trong khi đó cũng trong 15 năm từ năm 2000 đến 2014 tốc độ tăng GDP bình quân của Việt Nam chỉ là 6,38% và năm 2015, GDP bình quân đầu người của nước ta mới đạt 2.111, 14 USD[1]. Với mức này từ một nước có thu nhập thấp, Việt Nam đã bước vào ngưỡng cửa của những nước có thu nhập trung bình (thấp). Mặc dầu vậy, với tốc độ tăng trưởng như vậy, nguy cơ rơi vào bẫy “tự do hóa” và bẫy thu nhập trung bình đối với nước ta là rất hiện hữu, nếu chúng ta không có khát vọng và ý chí để thực hiện khát vọng.
Không! Chúng ta có khát vọng! như ông cha chúng ta đã từng khát vọng. Chúng ta dám đương đầu với thách thức như cha anh chúng ta đã đối đầu với thách thức khi dám đánh Mỹ, siêu cường có sức mạnh kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Có đối đầu với thách thức, chúng ta mới biết ta là thế nào và có thể làm được những gì.
Xin được khẳng định lại, biết phát huy truyền thống đó, sẽ gia tăng sức mạnh mềm và góp phần tạo ra sức mạnh cứng của chúng ta, làm cho vị thế của Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế, và “thương hiệu“ Việt Nam in đậm hơn nữa trong tâm trí của bè bạn năm châu.
Điều vui mừng là trong những năm gần đây, nhất là trong năm 2017, với phương châm; “xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, vì dân”, đất nước đã thu được những kết quả ấn tượng. Cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa kết quả đó.
Viết đến đây, tự nhiên tôi nhớ đến những câu thơ của Nadim Hitmet, Nhà thơ lớn Thổ Nhĩ Kỳ:
“Nếu tôi không cháy lên,
Nếu anh không cháy lên,
Thì làm sao
Bóng tối
Có thể trở thành
Ánh sáng”.
Nước ta không còn là bóng tối nhưng vẫn còn là vùng trũng của thế giới và chưa thật bừng sáng.
Hãy làm cho đất nước bừng sáng rực rỡ hơn cả những thời kỳ bừng sáng nhất từng có trong lịch sử! Chúng ta cần phải và có thể làm được điều đó. Mọi người con đất Việt dù ở cương vị gì, sống và làm việc ở đâu hãy cháy lên ngọn lửa khát vọng, trui rèn bản lĩnh, khẩn trương hành động, năng động và sáng tạo để biến khát vọng thành hiện thực phát triển trên đất nước Việt Nam muôn vàn yêu dấu của chúng ta.
Chào Xuân Mậu Tuất, chúng ta tin rằng năm 2018 này sẽ tô đậm thêm “thương hiệu” Viêt trên bản đồ thế giới./.
[1] Nguồn WB và Viện Chiến lược, bộ KH-ĐT
Trương Đình Tuyển/Nhân dân hàng tháng số Tết
Việt Nam năm 2018: Tiếng vọng của lịch sử và tương lai
Khi U23 Việt Nam giành những thắng lợi ngoạn mục, nhiều người chúng ta tự hỏi: thực sự sức mạnh Việt Nam đến đâu và có thể đến đâu?
Việt Nam - sức đột khởi mới
Một bầu sinh khí tươi mới đang bừng dậy, lan toả trên mọi miền đất nước thân yêu của chúng ta. Năm 2017 vừa qua đi đã để lại những dấu ấn nổi bật, đáng mừng.
Văn hóa kinh doanh, Văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân
Văn hóa có bản sắc riêng lại có sự giao thoa, tiếp biến; nó kết tinh từ trong hoạt động của con người theo giòng chảy của lịch sử, đồng thời bổ sung những giá trị mới từ cuộc sống hiện tại.
Khi lòng dân đồng thuận
Chưa khi nào như bây giờ, khi chúng ta chủ động, tích cực bước ra thế giới, dân tộc đồng tâm chuẩn bị thực lực cho mình mạnh mẽ.