- Ở nước khác có thể một nguyên tắc chung tối thượng về ”tự chủ kinh doanh” là quá đủ, nhưng ở nước ta mà quyền chung chung thế này tức là chả có quyền gì cả, DN đâu có thể bê cái quyền này đi mà kêu mà trình với ai được?- ĐB tỉnh Thái Bình đặt câu hỏi.
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch VCCI phát biểu tại phiên họp chiều 10/11 của QH về dự thảo luật DN (sửa đổi).
ĐB Vũ Tiến Lộc |
Là đạo luật nền tảng, gốc gác cho hoạt động của DN, những quy định về quyền của DN trong luật này có ý nghĩa như kim chỉ nam, như khung khổ ràng buộc cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khi áp đặt các quy định cho DN. Với DN thì các quyền này như cái neo để họ dựa vào đó mà thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình, để khiếu nại nếu lỡ bị vi phạm.
ĐB Vũ Tiến Lộc lập luận như vậy nhưng ông vẫn cảm thấy ngỡ ngàng khi tất cả các quyền cơ bản nhất của DN (quyền lựa chọn hình thức, phương thức huy động phân bổ vốn; quyền chủ động tìm kiếm thị trường, lựa chọn đối tác; quyền kinh doanh xuất nhập khẩu; quyền tuyển dụng, sử dụng lao động...) vốn từng được quy định đầy đủ, hệ thống và chuẩn xác trong luật DN nay đã bị rút, chỉ còn giữ lại quy định về quyền rất chung là ”tự chủ kinh doanh”.
"Ở nước khác có thể một nguyên tắc chung tối thượng về ”tự chủ kinh doanh” là quá đủ, nhưng ở nước ta mà quyền chung chung thế này tức là chả có quyền gì cả, DN đâu có thể bê cái quyền này đi mà kêu mà trình với ai được? Mọi rắc rối có thể xin cho có thể nảy sinh"- ông đặt câu hỏi đồng thời đề nghị thiết lập lại quy định đầy đủ về các quyền kinh doanh cơ bản của DN trong luật DN như đang có.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) lại lo ngại sự thông thoáng, quá dễ dàng, thuận lợi của quản lý nhà nước đối với DN trước và sau khi thành lập. Ông lưu ý thực tế luật hiện hành bị không ít DN lợi dụng sự thông thoáng mà thành lập rồi buôn bán hóa đơn, lừa đảo, trốn thuế, nợ hải quan, bảo hiểm, nợ lương mà không thu hồi được.
Như có những DN thành lập kinh doanh karaoke, quán bar hoạt động vi phạm pháp luật bị xử lý thì trốn thuế, giải thể để trốn tránh pháp luật. Sau một thời gian quay lại đúng địa điểm cũ, vẫn là con người, chủ cũ nhưng lập ra một DN, tên kinh doanh mới khác dễ dàng mà không bị xử phạt hành chính. Những trường hợp như vậy xảy ra rất nhiều lần nhưng xử phạt hành chính không xử được vì không tìm ra được DN.
Không ghi ngành, nghề kinh doanh
Nhiều ý kiến tán thành quy định dự án luật về việc không ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký DN vì điều này sẽ giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu |
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay, theo luật hiện hành, DN phải đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó, được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký DN. Khi muốn bổ sung, thay đổi ngành, nghề thì ngoài việc phải đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể, DN còn phải làm thủ tục bổ sung, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký DN. Quy định này gây phiên hà và rủi ro cho DN.
Tuy nhiên, theo quy định của dự án luật, DN vẫn phải có nghĩa vụ kê khai ngành, nghề dự kiến kinh doanh khi đăng ký thành lập DN trong giấy đề nghị đăng ký DN, thông báo với cơ quan đăng ký DN khi thay đổi ngành, nghề kinh doanh và báo cáo hằng năm với cơ quan có thẩm quyền hoạt động của DN, trong đó có nội dung về ngành, nghề đang kinh doanh .
Bỏ con dấu
Dự án luật quy định DN có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải bảo đảm nội dung con dấu thể hiện tên, mã số DN. Mẫu con dấu được DN thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN.
Quy định của luật cho phép con dấu của DN được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu. Trường hợp giao dịch với các đối tác không sử dụng dấu thì DN Việt Nam cũng không bắt buộc sử dụng dấu mà các bên giao dịch xác định giá trị pháp lý văn bản căn cứ vào chữ ký của người có thẩm quyền giao dịch.
Quy định của luật cho phép con dấu của DN được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu. Trường hợp giao dịch với các đối tác không sử dụng dấu thì DN Việt Nam cũng không bắt buộc sử dụng dấu mà các bên giao dịch xác định giá trị pháp lý văn bản căn cứ vào chữ ký của người có thẩm quyền giao dịch.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay, ở nhiều nước, việc xác định giá trị pháp lý văn bản giao dịch của DN chỉ cần căn cứ vào chữ ký của đại diện các bên giao dịch; hiện nay, chữ ký số cũng đã được sử dụng.
Tuy nhiên, với tập quán, thói quen sử dụng con dấu và điều kiện hạ tầng kỹ thuật ở VN, trong thời gian tới vẫn cần giữ quy định về DN phải có con dấu riêng, người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu; việc thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử sẽ được tiếp tục nghiên cứu, áp dụng khi có đủ điều kiện thích hợp.
Linh Thư - Ảnh: Minh Thăng