Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) là đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU) của Việt Nam, góp phần tăng trưởng kinh tế, không bị suy giảm quá mức trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Với những kết quả tích cực về xuất khẩu năm 2021 và từ đầu năm 2022 đến nay đã thể hiện vai trò, ý nghĩa của thị trường Anh đối với xuất khẩu của Việt Nam, đây là quốc gia có sức mua rất lớn. Như các đối tác trong EU, mặt hàng xuất khẩu của chúng ta vào Anh trải dài, thậm chí có nhiều mặt hàng xuất khẩu bật lên rất mạnh, như sắt, thép. Ngoài ra, Anh đang mong muốn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiếp tục mở thêm cơ hội cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu, thuận lợi cho trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Anh cũng như các đối tác tham gia Hiệp định CPTPP.

Đánh giá về năng lực của doanh nghiệp trong nước khi đứng trước các thách thức, khó khăn của thị trường quốc tế, trong đó có Vương quốc Anh, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chia sẻ với Báo Công Thương cho hay: Đầu năm 2000, trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năng lực của doanh nghiệp rất hạn chế.

Nhưng kể từ đó đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự va đập, trải nghiệm rất nhiều. Những vấn đề cố hữu, yếu kém dần được cải thiện và hoàn thiện; doanh nghiệp tự tin cạnh tranh dựa vào giá, chất lượng, đáp ứng đầy đủ với các yêu cầu tư đối tác phát triển hơn, như vấn đề xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Dù vậy, thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp loay hoay trong tiếp cận, hợp tác với các đối tác quốc tế, nhất là với đối tác từ thị trường khó tính như EU, Anh. Đặc biệt, năng lực quản trị rủi ro của doanh nghiệp còn rất yếu, khó tránh được các tác động, ảnh hưởng từ những thay đổi, biến động của thị trường.

Với những yêu cầu cao của thị trường Anh, ông Thành cảnh báo, giai đoạn hiện nay và sắp tới, doanh nghiệp muốn cạnh tranh trên thị trường Anh, phải nắm bắt được xu thế của thị trường, thói quen, văn hóa tiêu dùng; lối sống... Cải thiện năng lực quản trị rủi ro, nắm được cách đàm phán, chuyển đổi thanh toán… để làm sao giảm thiểu biến động, ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, cũng như đáp ứng tốt các yêu cầu từ thị trường.

Đồng thời, phải nắm rõ xu thế tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường, nhân văn của thị trường Anh; nắm rõ các quy định về tiêu chuẩn, kỹ thuật sản phẩm. Nếu doanh nghiệp chịu khó đáp ứng, năng lực cạnh tranh sẽ phát triển trong dài hạn. Và không nên coi các tiêu chuẩn, quy định như rào cản, mà đây chính là thách thức để doanh nghiệp học hỏi vượt qua, vươn lên.

Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, ông Võ Trí Thành cho rằng cần thúc đẩy phát huy vai trò của hệ thống hiệp hội, thương vụ trong việc hỗ trợ, kết nối thị trường cho doanh nghiệp; cũng như có cách thức linh hoạt trong tiếp cận thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng hỗ trợ về mặt pháp lý trong giao dịch thương mại quốc tế cho doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cần xuất phát từ quan điểm “hỗ trợ để thắng cuộc chứ không phải lựa chọn người thắng cuộc để hỗ trợ”.

Hồng Nhì, Trần Chung, Tuấn Kiệt