Các doanh nghiệp cho rằng, hiện cộng đồng SME chiếm gần 98% nền kinh tế, cứu SME là cứu người lao động không thất nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, các doanh nghiệp SME phía Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch diễn biến phức tạp và kéo dài.

{keywords}
Tính đến sáng 30/8, đã có gần 1.000 chữ ký kiến nghị của các doanh nghiệp gửi tới lãnh đạo Chính phủ

Đại diện các doanh nghiệp viện dẫn hàng loạt khó khăn như: ngừng hẳn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động; chi phí tăng cao do những phát sinh (xét nghiệm 3 ngày 1 lần, ăn ở cho người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ”);... tạm ngừng hoạt động nhưng vẫn phải trả chi phí mặt bằng, kho bãi, BHXH,... Đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng thanh toán đủ 100% lương cho người lao động để duy trì và bảo đảm cuộc sống cho người lao động; nhiều doanh nghiệp có doanh thu cán mốc 0%.

Với những lý do trên, trong đơn trực tuyến gửi tới Chính phủ và các thành viên Chính phủ, đại diện SME đề nghị hỗ trợ 3 nhóm chính sách cụ thể:

Nhóm chính sách liên quan đến người lao động: bao gồm việc giãn, giảm và miễn 1 bảo hiểm xã hội cho các trường hợp cụ thể gặp khó khăn thực sự. Có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH cho đến hiện tại.

Nhóm chính sách thuế và chi phí đề cập miễn, giảm thuế VAT và thuế TNDN. Đáng chú ý, được chấp nhận tất cả các loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra như: xét nghiệm, chi phí chống dịch và “3 tại chỗ”.

Nhóm chính sách Tài chính - Ngân hàng chủ yếu là ưu đãi lãi suất, khoanh nợ và giãn nợ. 

Ngoài ra, đơn kiến nghị còn khẩn thiết kêu gọi xây dựng lộ trình từng bước để mở lối đi cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại từng phần, trong bối cảnh người lao động đã bắt đầu được tiêm vắc xin đầy đủ.

Cộng đồng SME đề xuất người lao động được phép đến văn phòng, công ty, nhà máy,... để làm việc khi đã tiêm đủ 1 mũi. Người lao động và đại diện doanh nghiệp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được phép di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc. Tất cả đều phải thực hiện nghiêm túc 5K.

Nhóm doanh nghiệp soạn thảo kiến nghị gồm lãnh đạo một số đơn vị như: Công ty cổ phần vận tải AA Transport, BizUni, Công ty Cổ phần Việt Tinh Anh, Dom Capital, Đại Việt Group, Đại Phúc Land, Công ty Cổ phần ASFA Việt Nam, Công ty Cổ phần P.P.P Group...

Kiến nghị trực tuyến được khởi tạo từ 17h chiều ngày 29/8, sau khi nhóm đại diện cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã khảo sát 100 DN. Tính đến sáng 30/8, đã có gần 1.000 chữ ký kiến nghị của các doanh nghiệp gửi tới lãnh đạo Chính phủ.

Đề xuất “xã hội hóa” tiêm vắc xin

Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) kiến nghị thực hiện “xã hội hóa” trong tiêm ngừa vắc xin. Theo đó, các DN có thể ký kết với bệnh viện tư nhân, các tổ chức y tế ngoài công lập để tổ chức các đội tiêm theo đúng quy định của Bộ Y tế. BCĐ và Sở Y tế cung cấp vắc xin và bác sỹ giám sát nếu cần tổ chức các điểm tiêm của từng khu.

Ngày 11/8, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam đã cùng Bệnh viện Bắc Mỹ nhận vắc xin của Sở Y tế TP, tiêm cho công nhân tại khu an toàn, mô hình xã hội hóa này có thể nhân rộng ra các khu toàn TP.

Hiện có khoảng 250.000 công nhân tiêm mũi 1 đã qua 9 tuần. Trong đó, số công nhân “3 tại chỗ” đang là khoảng 60.000 lao động. HBA kiến nghị giao các đơn vị quản lý KCN và CNC lập danh sách công nhân “3 tại chỗ” và công nhân chưa đi làm nhưng đang ở các khu lưu trú công nhân/khu nhà trọ/nhà ở mà cự ly có thể đến tiêm mũi thứ 2. Đơn vị quản lý KCN cùng DN sẽ ký kết với bệnh viện tư nhân, các tổ chức y tế ngoài công lập tổ chức tiêm ngừa theo quy định của ngành Y tế. 

Đối với công nhân tại các khu chưa đi làm và cũng không có điều kiện đến tiêm ngừa tại các khu. BCĐ cần chỉ đạo đơn vị y tế quận/huyện, phường/xã cho họ tiêm ngừa mà không phân biệt thường trú hay tạm trú, thành phố hay tỉnh lẻ.

Cũng theo HBA, với đối tượng công nhân đã tiêm mũi 1 cách nay 9 tuần, chưa đi làm nhưng cư trú ở các khu vực giáp ranh cần thông báo cho y tế chính quyền sở tại hỗ trợ việc tiêm mũi 2. Nếu được, các khu và DN sẽ thông báo cho công nhân quay về tiêm ngừa ở điểm tiêm gần nhất tại khu giáp ranh do DN tổ chức.

HBA cũng kiến nghị BCĐ về việc sớm thực hiện “Bệnh viện dã chiến” khi Công ty Sepzone Linh Trung đã chuẩn bị sẵn sàng nhà xưởng trống khoảng 1.500 m2. Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức đảm nhận điều hành, vận hành nhưng đến nay chưa thấy cơ quan y tế đến triển khai lắp đặt các trang thiết bị y tế cơ bản. 

Quảng Định

Làn sóng Covid thứ 4 chưa dứt, gần 80 nghìn DN rút khỏi thị trường

Làn sóng Covid thứ 4 chưa dứt, gần 80 nghìn DN rút khỏi thị trường

Sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19. Nhiều DN thiếu trầm trọng nguồn tiền để trả lương, bảo hiểm, vốn vay, thuê mặt bằng...