Hệ lụy chưa nhìn thấy là những viên đạn "đại bác" vô hình mà họ sẽ phải lĩnh nhận vì "bắn súng" vào quá khứ.

>> Làm rõ động cơ dỡ đình bán gỗ sưa

>> Dỡ đình bán gỗ sưa mua... sổ tiết kiệm

>> Đã xác định người mua gỗ sưa đình Cựu Quán

>> Rúng động vụ dỡ mái đình lấy gỗ sưa đem bán

Một vùng quê rất đỗi yên bình bỗng xôn xao khi dân làng, ban đầu là ngỡ ngàng, sau đó là bất bình, bức xúc phát hiện một phần kiến trúc của đình làng bị tự ý dỡ xuống, lấy đi bốn thanh gỗ sưa nặng 127,5kg, quy đổi thành 1 tỷ 200 triệu đồng.

Gây ra hành động này là bốn người có chân trong Ban Khánh tiết - những người được cộng đồng cắt cử để coi sóc một di tích thuộc về tâm linh, nơi cộng đồng tri ân người có công với làng, được phong Thành hoàng: đình làng của thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức.

Công việc họ làm trong ban Khánh tiết không có lương bổng, nhưng cái danh, niềm vinh dự lại lớn hơn vật chất bội phần. Làng Cựu Quán có một lệ bất di bất dịch là Trưởng ban Khánh tiết, người chịu phần "lễ" trong ngày giỗ Thánh, nếu gia đình hai bên nội ngoại có người mặc áo xám (có tang), sẽ ngay lập tức phải tìm người khác thay thế.

Bốn người này đã tự ý lên kế hoạch dỡ mái hiên đình, nơi có bốn thanh kẻ làm bằng gỗ sưa bán đi, thay vào đó là loại gỗ khác. Cuộc mua bán chưa thành thì dân làng phát hiện...

{keywords}
Hiện trường mái đình bị dỡ gỗ sưa. Ảnh: Thanh niên

Họ phân trần rằng, tiền bán gỗ sưa là để tôn tạo lại chính di tích ấy, mua ruộng để mở rộng đình, chuyển đình ra hướng mới. Song, trớ trêu ở chỗ, ruộng ấy lại chính là của người đang làm trong Ban Khánh tiết, của họ hàng, con cháu người làm trong Ban Khánh tiết...

Cái lý ấy, khó mà chấp nhận được, huống chi việc xây, chuyển hướng đình chùa vốn là sự hệ trọng từ xưa đến nay, phải họp bàn rất kỹ lưỡng.

Chuyện "cầm đèn chạy trước ô tô" của bốn vị thủ từ đình Cựu Quán có thể đổ lỗi do họ hăng hái, nhiệt tình quá mức. Nhưng họ đã không lường được hậu quả việc mình làm.

Chúng không chỉ là những hệ lụy bề nổi, ngay lập tức xảy đến, như bị cơ quan chức năng vào cuộc để tìm hiểu "động cơ, mục đích dỡ đình bán gỗ sưa", hay hành vi vi phạm pháp luật "xâm hại di tích lịch sử" được cụ thể hóa bằng các điều luật... Hệ lụy chưa nhìn thấy là những viên đạn "đại bác" vô hình mà họ sẽ phải lĩnh nhận vì "bắn súng" vào quá khứ.

Tôi còn nhớ một câu chuyện do chính ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 5 của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, người đang trông coi từ đường thờ cụ Nguyễn kể lại. Năm 1947, giặc Pháp tìm cách rót bom bắn phá từ đường thờ Nguyễn Khuyến. Thế nhưng, tay đồn trưởng bốt Cầu Sắt đã cấm lính: "Đây là đền thờ một vị Thánh nho, một danh nhân, muốn sống không được đụng đến!".

Đến những năm 1950, tao đoạn loạn lạc, kẻ trộm vào lấy trộm đôi rồng nạm ngọc trong ngôi từ đường. Chẳng bán được cho ai, tên trộm cả cuộc đời cứ nơm nớp sống trong bất an... Đến khi sắp chết, người này bảo con cháu đi lấy lại kỷ vật ấy trả lại Từ đường cụ Nguyễn, mới nhắm mắt xuôi tay được...

Lại chuyện khác, cách đây mươi năm, có một bà cụ sai con cháu cáng đến tận nhà ông Tùng. Bà cụ 90 tuổi, sắp gần đất xa trời, mang trả một mẩu gỗ, nguyên là một câu đối của cụ Nguyễn Khuyến. Bà đến xá tội với gia đình, vì đã trót dại lấy câu đối của cụ đóng giường cưới cho con trai, vì cái thời ấy gỗ lạt hiếm như gạo châu, củi quế...

{keywords}

Đình Cựu Quán. Ảnh: Di Linh

Những chuyện "châu về Hợp Phố" như thế trong nhân gian chẳng làng nào không có. Như ở làng tôi, các cụ kể lại chuyện, chẳng biết thực hư ra sao, đó là vào những năm 1960, ao đình làng có phiến đá cổ phẳng lì, trên mặt đá có trổ những hàng chữ cổ. Bà con tận dụng nó làm cầu ao để làm đồng về qua ao đình rửa chân tay, dụng cụ...

Về sau, một đám khoảng chục trai làng hò nhau khênh phiến đá chuyển ra bờ sông gần cánh đồng cho tiện việc thau rửa. Phiến đá sang vị trí mới, cả đám thanh niên về nhà lăn ra ốm lăn ốm lóc, chỉ khi họ bảo nhau lễ lạt, đem phiến đá về vị trí cũ mới được "trả hồn về xác".

Còn ở thôn Cựu Quán, ông Nguyễn Xuân Phong, một người cao tuổi, kể lại: Đình Cựu Quán thiêng lắm. Trước, có anh trương tuần lấy chiếc hòm gỗ đựng di chỉ của đình về nhà làm hòm đựng giấy tờ, bị Thánh phạt ốm lên ốm xuống. Người ấy được mách bảo, phải lễ lạt chuộc tội, mãi Ngài mới tha cho. "Một viên ngói của đình còn không ai dám tơ hào, huống chi những việc trọng đại...".

Chuyện lấy của đình, của chùa "một đền mười", chuốc phải nghiệp chướng trong nhân gian vốn hư hư thực thực, chẳng ai lý giải, chứng minh được nhưng nó vẫn là niềm tin nơi tâm thức. Trong cuộc sống, không phải lúc nào pháp luật cũng "với tới" tội lỗi con người. Vì thế, "luật" nhân quả vô hình tồn tại là để răn đe con người đừng sống chỉ biết hiện tại, phải tiết chế lòng tham, giữ đạo thẳng ngay.

Nhà thơ Rasul Gamzatov từng có một câu nổi tiếng: "Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác". Biết sợ những viên đạn đại bác tương lai, dù chúng vô hình, con người cũng sẽ biết run tay hơn trước việc xấu...

Di Linh

Xem bài cùng tác giả

Chuyện nhặt năm cũ

Tôi là đứa con xa xứ. Những lần về quê, một năm có lẽ đếm được trên đầu ngón tay. Phần vì công việc, một phần lớn cũng bởi sự chưa chín chắn, chưa bị sóng gió đánh cho bầm dập… để ngộ ra một điều, quê hương, đấy là chỗ neo đậu. Trong những lần về quê hiếm hoi ấy, dài nhất có lẽ là dịp Tết.