Cách nay ít lâu, khi được hỏi: dưới góc nhìn của một kiến trúc sư, nên hiểu thế nào cho đúng về một thành phố văn minh, hiện đại?, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã trả lời như sau: nhiều người cho rằng thành phố văn minh, hiện đại là thành phố có nhiều nhà cao tầng, những xa lộ thênh thang. Cách nhìn đó tuy không sai nhưng chưa đủ. Một thành phố văn minh, hiện đại còn phải cải thiện và nâng cao được mức sống vật chất và tinh thần của người dân. Chỉ khi đời sống văn minh hiện đại, thì mới có đô thị văn minh hiện đại!

Gần đây, người ta đang nói nhiều đến khái niệm “thành phố đáng sống”. Nhưng câu hỏi đầu tiên cần trả lời là thành phố đó đáng sống đối với ai? Nếu một đô thị hiện đại mà chỉ phục vụ cho thiểu số tầng lớp giàu, mà không phục vụ cho mọi tầng lớp người dân, thì tôi không cho là văn minh, hiện đại. 

Bàn về khái niệm thành phố xanh, không gian xanh..., theo ông Ngô Viết Nam Sơn, có một thực tế là diện tích xanh ở TP.HCM còn quá thấp. Theo quy hoạch, dự kiến đạt 6-7m2 cây xanh/người, nhưng thực tế hiện nay chỉ đạt 0,5m2/người. Nhiều đô thị tiên tiến trên thế giới đạt đến 20-30 m2/người. 

Cần cẩn thận với tình trạng nhiều dự án “địa ốc xanh,” nhưng thật sự chỉ xanh trên bản vẽ, khi không gian xanh được “quy hoạch” trên không gian dân cư hiện hữu, hoặc chỉ tạm trồng cỏ để về sau tiếp tục xây dựng lên đó.   

Cần hiểu rõ khái niệm thành phố xanh và không gian xanh. Không phải trồng nhiều cây xanh, có nhiều mặt nước là đủ, mà còn phải phát triển bền vững về quy hoạch, kiến trúc. Tức quy hoạch phải thân thiện với môi trường, không ngập, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, không làm đô thị nóng lên... kiến trúc không tiêu tốn nhiều năng lượng, không phát tán ánh sáng mặt trời làm nóng xung quanh... 

Những trăn trở của Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng chính là những trăn trở đang được xã hội đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hiện nay.

W-dothixanh.png

Gần đây, các cụm từ như sống xanh; tăng trưởng xanh, đô thị xanh… đang được nhắc đến nhiều với những kế hoạch hành động khá cụ thể. “Xanh hóa” các đô thị hiện đang là một xu hướng tại các thành phố trên khắp thế giới. Đây cũng là xu hướng nhằm góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. 

Đô thị xanh được hiểu là việc quy hoạch xây dựng và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Theo đó, đô thị xanh được phát triển trên cơ sở mật độ xây dựng thấp, hệ số sử dụng đất cao, kiến trúc không gian đô thị mở và khai thác có hiệu quả tài nguyên, bảo tồn văn hóa bản địa và các di sản.

Với áp lực về đô thị hóa, các thành phố lớn đã sử dụng tối đa quỹ đất cho kiến trúc nhà ở, giao thông, các công trình khác dẫn đến một loạt hệ lụy như hiệu ứng nhà kính, tắc nghẽn giao thông, quá tải trong xử lý chất thải…

Để phát triển một đô thị xanh theo các tiêu chuẩn nhất định, hiện nay, rất nhiều thành phố trong cả nước đang “tiến thoái lưỡng nan” bởi sự phát triển nóng của các đô thị trong một thời gian dài.

Có chăng, các đô thị này hiện cũng tăng cường hệ thống cây xanh, xây dựng các khu đô thị điểm với các tiêu chí như: xanh, sạch, đẹp; kiến trúc xanh, con đường xanh…

Hầu hết các đô thị “xanh “ ở Việt Nam chỉ đang tập trung vào công viên, hồ nước và những mảng xanh trong các tòa nhà… Hay nói khác đi là chỉ đang dừng lại ở tiêu chí “không gian xanh” và “công trình xanh”.

Trong khi đó, đô thị xanh được hiểu đơn thuần là những dự án đô thị, dân cư có mật độ cây xanh, công viên, mặt nước nhiều. Nhưng tiêu chuẩn đô thị như thế này hiện nay đang dần định nghĩa lại với nhiều chuẩn mực mới.

Một khu đô thị đúng nghĩa là nơi mọi người không chỉ tận hưởng cuộc sống với những tiện nghi hiện đại, mà còn được tận hưởng thiên nhiên trong lành ngay trong khu phố nhà mình. Tích hợp nhiều tiện ích nâng tầm chất lượng sống, gắn kết cộng đồng trong nội khu cũng được đặc biệt chú trọng. Để đạt được điều này, chúng ta phải từng bước thay đổi từ công tác quy hoạch, xây dựng, thực thi chính sách và tạo lập văn hóa “sống xanh” trong mỗi người dân đô thị.

Ngọc Dũng và nhóm PV, BTV