Nikon là một trong các doanh nghiệp sản xuất thiết bị bán dẫn Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Reuters đã liên lạc với 10 doanh nghiệp liên quan đến bán dẫn. Trong đó, 5 công ty bao gồm Advantest, Nikon, Resonac, Lasertec, Shin-Etsu Chemical nói họ không nhận được thông tin gì từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản về bất kỳ lệnh cấm mới nào được truyền thông đưa tin. Trước đó, Nhật Bản, Hà Lan và Mỹ được cho là đã đạt đồng thuận để cản bước bước tiến công nghệ của Trung Quốc.

Phát ngôn viên Advantest cho biết: “Do không biết rõ tình hình, chúng tôi không thể bình luận về tác động và phản hồi sẽ là gì”. Advantest chuyên sản xuất máy móc kiểm tra chip và các thiết bị liên quan khác.

Các lệnh cấm xuất khẩu bán dẫn hiện đại sang Trung Quốc trước đây không ảnh hưởng đến Nhật Bản vì nước này chỉ đứng thứ 10 thị trường bán dẫn thế giới. Hầu hết chip sản xuất ở đây đều không tiên tiến bằng chip của TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) hay Samsung Electronics (Hàn Quốc). Tuy nhiên, Nhật Bản lại là một nhà cung ứng máy móc sản xuất bán dẫn quan trọng.

Nhà phân tích Masahiko Ishino đến từ Viện Nghiên cứu Tokai Tokyo nhận xét, dù Hàn Quốc liên tục đánh bại Nhật Bản về bán dẫn, một thứ họ không có được chính là stepper – loại thiết bị dùng để chiếu các mạch điện tử lên các tấm silicon.

Trong khi đó, ASML -  một nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip lớn của Hà Lan – thừa nhận đã biết một thỏa thuận giữa các chính phủ. Phát ngôn của ASML được đưa ra sau khi Bloomberg đưa tin Mỹ đạt thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản.

Năm doanh nghiệp còn lại không trả lời câu hỏi của Reuters. Trong số này có Tokyo Electron, nhà sản xuất máy sản xuất bán dẫn lớn nhất Nhật Bản.

(Theo Reuters)