Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Việt Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Đỉnh Vàng cho biết: “Chúng tôi nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Vừa rồi cấm biên, chúng tôi rất khó khăn, công nhân phải nghỉ hơn một nửa. Thực tế, tôi cũng nghe là sẽ được Nhà nước hỗ trợ nhưng đến hiện nay đúng là công ty vẫn chưa có một sự hỗ trợ nào”.

“Hiện tại, cũng rất may mắn là đơn hàng đã bắt đầu túc tắc quay lại và chúng tôi bắt đầu tuyển công nhân trở lại”, bà Hoa nói.

{keywords}
Doanh nghiệp dệt may khó tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty may 10 cũng cho biết: Chúng tôi trong giai đoạn cao điểm nhất của dịch, chúng tôi cũng có những khó khăn. Tuy nhiên gói 62.000 tỷ này chỉ áp dụng đối với những người lao động của các doanh nghiệp bị giảm sút khoảng 50% doanh thu hoặc người lao động thiếu khoảng hơn 50% thời gian làm việc của mình tại thời điểm tháng 3, tháng 4 đó. Chính vì vậy, May 10 bên cạnh sự hỗ trợ của Chính Phủ, chúng tôi cũng luôn luôn lỗ lực và tìm kiếm cách tự cứu mình, nâng cao tính tự lực tự cường trước khi chờ gói hỗ trợ của chính phủ.

“Đến thời điểm đó, gói 62.000 tỷ, May 10 cũng chưa được hưởng lợi từ gói đó. Tuy nhiên,  chính sách liên quan đến lãi suất ngân hàng, giãn nợ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các loại thuế khác thì May 10 cũng được hưởng lợi ngay lập tức từ các quyết định rất nhanh của chính phủ như vậy. Đấy là điểm tôi đánh giá góc độ hỗ trợ kịp thời cũng như quyết liệt của chính phủ”, ông Thân Đức Việt nói.

Tại hội nghị “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động việc làm cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch COVID-19” do Bộ LĐ- TBXH tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng cho biết vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ cho người lao động.

Theo Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, tổng cầu ngành da giày đã bị tác động từ lúc mới bùng phát COVID-19. Các doanh nghiệp lớn giảm tới 50% đơn hàng, doanh nghiệp nhỏ đóng cửa la liệt. Tình hình này kéo theo hệ lụy là doanh nghiệp phải cắt giảm đến 30% nhân công, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 70% nhân công.

“Doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được hỗ trợ”, bà Xuân cho hay. Bà Xuân cho rằng, nếu đến tháng 10- 2020 dịch bệnh qua đi, kinh tế dần phục hồi thì doanh nghiệp vẫn có thể cầm cự, nhưng nếu tình hình tệ hơn, dịch bệnh kéo dài đến năm sau thì rất ít doanh nghiệp có thể ứng phó nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước. Trong khi đây là ngành đang sử dụng một số lượng lao động rất lớn hiện nay. Nếu các doanh nghiệp không thể vượt khó thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc làm cho người lao động.

Một ngành khác cũng sử dụng lượng lớn lao động nữa là ngành dệt may, theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì tính từ đầu năm đến hết tháng 6, ngành dệt may đã tăng trưởng âm tới 16,67%.

“Mỗi tháng trôi qua, tăng trưởng của ngành lại càng âm và con số này chưa biết đến bao giờ mới dừng lại. Dệt may là ngành chịu tác động rất lớn từ đại dịch COVID-19”, ông Cẩm cho hay.

Theo ông Cẩm, dịch bệnh đã làm giảm sút lượng đơn hàng lớn, doanh nghiệp không có nguồn thu, khiến vấn đề chi trả lương cho nhân viên, chi phí đào tạo nâng cao tay nghề nhân công hay đầu tư thiết bị đều trở nên khó khăn. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã rất cố gắng, làm mọi cách để tạo việc làm giữ lao động, tuy nhiên nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì thời gian tới không ít doanh nghiệp sẽ rất khó xoay xở.

Trước các phản ánh này, Bộ LĐ- TBXH cho biết, với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, cơ quan này có văn bản trình Chính phủ nới lỏng một số điều kiện, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Xác định các doanh nghiệp, người lao động còn gặp nhiều khó khăn, cần hỗ trợ sớm, trong phiên họp của Chính phủ tới đây sẽ tiếp tục bàn giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ mạnh hơn.

Thu Ngân