Cụ thể, có 239 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc tham gia khảo sát từ ngày 16-20/05. Khoảng 75% các doanh nghiệp trên cho biết họ chịu các ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Thuế nhập khẩu gia tăng khiến giá thành sản phẩm và chi phí sản xuất cũng tăng lên. Ngoài ra, khoảng 35% doanh nghiệp cho biết “đã rời hoặc dự định rời” khỏi Trung Quốc, chuyển các hoạt động sản xuất sang các nước Đông Nam Á hoặc Mexico.

{keywords}
Tỉ lệ doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc muốn chuyển sang các nước khác. Ảnh: SCMP

Hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi nói rằng, mức thuế hàng hóa cao hơn do Mỹ-Trung áp đặt đang làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm của họ, và khoảng 42% doanh nghiệp cho biết chi phí sản xuất hàng hóa của họ đang tăng lên. Ngoài ra, 38% doanh nghiệp đang cân nhắc tăng giá bán sản phẩm.

Cuộc khảo sát diễn ra trong bối cảnh hôm 15/5 Mỹ đã tăng mức thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và chuẩn bị bổ sung mức thuế cho gần như tất cả các hàng hóa còn lại sớm nhất vào tháng 7 tới. Trong khi đó, phía Bắc Kinh cũng đang chuẩn bị áp dụng mức thuế quan trả đũa lại Mỹ vào ngày 1/6.

“Các tác động tiêu cực của thuế quan là rõ ràng và làm giảm khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ tại Trung Quốc”, Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc (AmCham China) và Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải (AmCham Shanghai) thông báo trong một tuyên bố chung.

Các doanh nghiệp cho biết, họ đã gặp phải nhiều khó khăn, bị thanh tra nhiều hơn và việc nhập hàng hóa cũng bị chậm hơn. Và khi mức thuế tăng lên, một phần ba các công ty cho biết, họ đang trì hoãn hoặc hủy bỏ các quyết định đầu tư, theo AmCham China.

{keywords}
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung luôn diễn ra căng thẳng. Ảnh: Reuters

Trung Quốc và Mỹ dường như đã đạt được thỏa thuận thương mại vào cuối tháng 4, nhưng chính quyền ông Trump đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng ngàn hàng hóa Trung Quốc.

Khoảng 35% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ đang áp dụng chiến lược “ở Trung Quốc, vì Trung Quốc”. Theo đó, họ sẽ sản xuất và tìm nguồn cung ứng cho thị trường Trung Quốc, thay vì xuất khẩu. “Chiến lược như vậy tạo thành sự lựa chọn hợp lý cho nhiều công ty để họ có thể tự bảo vệ mình khỏi tác động xấu từ thuế quan, trong khi vẫn đủ khả năng duy trì việc theo đuổi các cơ hội thị trường trong nước”, theo AmCham China.

Tuấn Trần