Mỹ đã cấm nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei, nói rằng Huawei đe dọa an ninh quốc gia.
Theo Financial Times, cuộc khảo sát về niềm tin kinh doanh mới nhất của Phòng Thương mại châu Âu, được công bố hôm thứ Hai, cho thấy "cách thức làm ăn này" vẫn tăng lên ngay cả khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra vào đầu năm nay.
Khoảng 20% số người được hỏi trong cuộc khảo sát cho biết họ cảm thấy bị bắt buộc phải bàn giao công nghệ cho các đối tác kinh doanh Trung Quốc, tăng từ 10% so với hai năm trước. Cuộc khảo sát bao gồm các câu trả lời của 585 doanh nghiệp châu Âu.
Báo cáo cho biết, trong khi các doanh nghiệp châu Âu hiểu rằng cánh cửa Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa, nhưng họ cũng chứng kiến các doanh nghiệp nhà nước được hỗ trợ mạnh mẽ, tỷ lệ "bắt buộc phải chuyển giao công nghệ" cao hơn và vai trò của chính phủ trong kinh doanh ngày càng mạnh hơn.
Các doanh nghiệp nước ngoài đã phàn nàn trong nhiều thập kỷ qua, rằng họ phải tiết lộ các bí mật thương mại nhạy cảm mới mong thành lập chi nhánh đầy đủ tại Trung Quốc.
Thường được gọi là "cưỡng bức chuyển giao công nghệ", hành vi này là cốt lõi của tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang trong tháng này khi Mỹ tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc và Trung Quốc đáp trả bằng các biện pháp tương tự lên 60 tỷ USD hàng Mỹ nhập vào Trung Quốc. Chính quyền Trump cũng đã cấm nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei trên thị trường Mỹ, nói rằng Huawei đe dọa an ninh quốc gia.
Các công ty công nghệ cao cấp là những hãng cảm thấy áp lực lớn nhất, với khoảng 30% số người được hỏi trong cuộc khảo sát của ECC trong ngành hóa chất báo cáo rằng họ bị rơi vào tình huống phải tiết lộ bí mật thương mại. Khoảng 28% các công ty thiết bị y tế và 27% công ty dược phẩm cho biết họ phải đối mặt với áp lực tương tự.
Báo cáo lưu ý rằng quá trình chuyển giao công nghệ vẫn tiếp tục ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán vào đầu năm. "Rất đáng lo ngại, 63% số người được hỏi cảm thấy bị ép buộc chuyển giao công nghệ cho biết điều đó đã xảy ra trong hai năm qua và 25% cho biết việc chuyển giao vẫn diễn ra tại thời điểm khảo sát vào tháng 1/2019".
Cuộc khảo sát cũng cho thấy các công ty châu Âu nhận thấy điều kiện kinh doanh ở Trung Quốc đang xấu đi - 53% số người được hỏi cho biết việc kinh doanh ở nước này đã trở nên khó khăn hơn trong năm qua, so với 48% vào năm ngoái.
Tuy vậy, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, chứ không phải là chiến tranh thương mại, được xem là thách thức hàng đầu đối với doanh nghiệp châu Âu trong năm nay. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp trong ba thập kỷ nay, một xu hướng dự kiến sẽ làm chậm tăng trưởng thu nhập trung bình và số tiền người dân Trung Quốc chi cho hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ.
Đáp lại cáo buộc "ép chuyển giao công nghệ", cuối tuần qua báo Trung Quốc Nhân dân Nhật báo trong một bài xã luận khẳng định rằng các phàn nàn về chuyển giao công nghệ cưỡng bức là do Mỹ "mớm lời".
Hoàng Lan