Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG) mới đây đã hợp tác với STACS - công ty công nghệ về dữ liệu ESG (môi trường, xã hội và quản trị) hàng đầu châu Á, có trụ sở chính tại Singapore. Bamboo Capital sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sử dụng nền tảng kỹ thuật số ESGpedia do STACS phát triển để thực hiện báo cáo ESG, đặt nền tảng cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu minh bạch về phát thải CO2 và chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC).
Đầu tư vào ESG từ nhiều năm trước có thể kể tới Vinamilk (mã VNM). Từ năm 2012, Vinamilk đã công bố báo cáo phát triển bền vững thường niên, trình bày minh bạch các chuẩn mực ESG được công ty áp dụng tuân thủ và đo lường kết quả theo mô hình Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc và báo cáo theo GRI - Tiêu chuẩn toàn cầu về báo cáo Phát triển bền vững. Từ năm 2017, VNM liên tiếp được đánh giá thuộc top 20 cổ phiếu xanh VNSI, với tổng điểm ESG đánh giá đạt 90%.
Hiện, Vinamilk đã có hàng trăm hecta đất đạt chuẩn hữu cơ Organic châu Âu, phương pháp canh tác này giúp bảo vệ tài nguyên đất, vốn là tài nguyên quý giá nhất của nông nghiệp. Hay việc áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, kết hợp với năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, Biomass, CNG… tại hệ thống trang trại, nhà máy giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu.
Tương tự Traphaco (TRA) đã phát triển các vùng dược liệu sạch đạt chuẩn quốc tế, công nghệ sản xuất thuốc Đông dược hiện đại, thân thiện môi trường, tạo ra các sản phẩm thuốc chất lượng. Doanh thu và lợi nhuận qua đó tăng vọt, tạo đà cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, mở rộng sang các lĩnh vực mới, với tham vọng vươn ra khu vực.
Từ năm 2017, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã ra mắt Chỉ số Phát triển Bền vững Việt Nam (VNSI) gồm 20 công ty có điểm số phát triển bền vững cao nhất được niêm yết trên sàn HoSE.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, yếu tố ESG của một doanh nghiệp đang ngày càng được cân nhắc đưa vào quyết định phân tích đầu tư ở thị trường Việt Nam, với mục đích cung cấp góc nhìn rộng hơn về rủi ro và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của một công ty.
Bên cạnh đó, thực hành ESG là một trong những điểm cộng giúp một công ty có ưu thế trong việc thu hút vốn đầu tư lớn từ nước ngoài với những ưu đãi về lãi vay và các điều khoản khác như nguồn vay từ Asian Development Bank (ADB) hoặc phát hành trái phiếu xanh (Green bond).
Trong khi đó, ông Nguyễn Phương Nam – Chuyên gia tư vấn Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) cho rằng, áp dụng ESG vào sản xuất kinh doanh đang là đòi hỏi tất yếu của các doanh nghiệp hiện nay nếu muốn “nâng tầm” vị thế và gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường.
Nhận xét về thực trạng cam kết ESG và thực hành báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ ESG và Dịch vụ Kiểm toán, PwC Việt Nam, cho biết, đã có sự tiến bộ trong chất lượng báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục cải thiện và nâng cao nhận thức, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển năng lượng xanh và thực hành các tiêu chuẩn ESG.
Teo đại diện PwC Việt Nam, cần có sự cam kết và hợp tác giữa nhiều bên liên quan để đạt được tác động lâu dài cũng như tạo dựng môi trường kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam.
Doanh nghiệp niêm yết nên chủ động tích hợp các nguyên tắc ESG vào hoạt động, tận dụng các cấu trúc có sẵn và nguồn lực dồi dào của tổ chức. Đồng thời, các cơ quan chính phủ và cơ quan quản lý nên xây dựng các chính sách rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi ESG, cùng với hướng dẫn chi tiết về các phương thức báo cáo phát triển bền vững.
PwC khuyến nghị, các doanh nghiệp niêm yết cần hiểu rõ mục tiêu của công ty, các chiến lược ESG, đồng thời tích hợp các yếu tố ESG vào chiến lược kinh doanh. Quá trình quản trị rủi ro và đánh giá hiệu suất thông qua việc cải thiện báo cáo phát triển bền vững có thể giúp tiết kiệm chi phí và kiến tạo giá trị lâu dài.
Thúc đẩy thực hành các tiêu chuẩn ESG là chủ trương của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tại lễ ra mắt Sổ tay Hướng dẫn báo cáo phát thải khí, dự án do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp triển khai tại các doanh nghiệp niêm yết, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng, việc ban hành cuốn sổ tay này sẽ giúp doanh nghiệp xác định và quản lý rủi ro cũng như tìm kiếm cơ hội hành động mới nhờ làm nổi bật những cải thiện có hiệu quả chi phí mà trước đó chưa được chú trọng.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hành áp dụng ESG, Sáng kiến ESG Việt Nam năm 2023 của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do USAID tài trợ và Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) làm chủ dự án đã được triển khai.
Đây là sáng kiến nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội, góp phần thực hiện Quyết định 167/QĐ-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững, hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về phát triển xanh – bền vững trong sản xuất, thâm nhập thị trường quốc tế cũng như gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.