Khái niệm “mua sắm trả thù” được hiểu là gần đây người dân toàn thế giới đang tích cực chi tiêu sau một thời gian dài ngồi nhà tránh dịch, không được mua sắm.
Tuy nhiên, ông Steven Tuấn Nguyễn, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á của Criteo nhận định, trào lưu “mua sắm trả thù” không liên quan gì đến sức mua trực tuyến sẽ tăng cao vào dịp cuối năm nay tại Việt Nam và trong khu vực.
Xu hướng mua sắm online tăng mạnh do Covid-19 hơn là vì trào lưu "mua sắm trả thù". (Ảnh: Visa) |
Theo ông Steven, dịch Covid-19 đã buộc người dân các nước phải mua sắm trên mạng. Có những thứ ngày thường họ vẫn mua, nhưng do không thể ra cửa hàng hay siêu thị để bảo đảm giãn cách nên họ phải mua sắm trực tuyến. Do đó, dự báo cuối năm nay dù dịch Covid biến chuyển thế nào thì những ngày mua sắm đặc biệt như 11.11 và 12.12 chắc chắn vẫn tạo doanh số kỷ lục.
Năm ngoái, đại diện Criteo cũng có nhận định tương tự và số liệu cho thấy các dự báo này chính xác. Năm 2020, số liệu của nền tảng này cho thấy sức mua online vào những ngày đôi vẫn rất cao dù đang trong giai đoạn dịch.
“Năm 2019 doanh số bán hàng online cũng tăng cao nhưng vẫn thấp khi so với mua bán trực tiếp. Tuy nhiên đến năm 2020 khoảng cách doanh số giữa hai hình thức mua sắm đã thu hẹp lại. Nguyên nhân do Covid-19 khiến mua sắm tại cửa hàng giảm hẳn, mua sắm online lại tăng lên”, ông Steven nhận xét.
Criteo là công ty công nghệ cung cấp các giải pháp quảng cáo cho những nền tảng thương mại điện tử lớn tại Việt Nam và toàn thế giới. Số liệu công ty đưa ra dựa trên các đo đạc của họ trên tập khách hàng mua sắm online.
Theo số liệu của công ty, tại Việt Nam, ngày 11.11 được ghi nhận là dịp mua sắm lớn nhất, với doanh số bán lẻ trực tuyến năm 2020 tăng 378% và lượt xem sản phẩm tăng 126% so với số liệu cơ bản cùng năm.
Ngày 12.12 là thời điểm mua sắm phổ biến thứ hai ở Việt Nam, có doanh số bán lẻ trực tuyến tăng ở mức 369%. Mặt khác, ngày 10.10 cũng ghi nhận doanh thu tăng 171%.
Trong khi đó, ngày hội Black Friday cũng ghi nhận doanh số bán lẻ tăng 78%, từ đó cho thấy rằng đây vẫn là một sự kiện mua sắm tiêu biểu, mặc dù ở quy mô khiêm tốn.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam và Singapore khá tương đồng vì 11.11 là ngày mua sắm lớn nhất năm. Tuy nhiên, trên toàn khu vực, ngày 12.12 mới là dịp mua sắm đỉnh điểm, song chênh lệch giữa hai dịp này không cao.
Cụ thể, số liệu Criteo tại Đông Nam Á cho thấy ngày 10.10 doanh số bán lẻ trực tuyến và lượt truy cập tăng lần lượt là 95% và 36%. Ngày 11.11 doanh số bán lẻ trực tuyến và lượt truy cập tăng lần lượt là 296% và 116%. Riêng ngày 12.12 vượt hơn, với các con số lần lượt là 305% và 127%.
Trả lời ICTnews về sự khác biệt này, ông Steven lý giải thị trường Indonesia chú trọng nhất vào dịp mua sắm 12.12, do đó đã đẩy doanh số trung bình của khu vực lên cao. Indonesia hiện có dân số lớn thứ 4 thế giới, lớn nhất Đông Nam Á, nên quy mô đủ lớn để tác động lên doanh số cả khu vực.
Ngược lại, tại Việt Nam có dịp Black Friday chen giữa ngày 11.11 và 12.12 nên các nền tảng thương mại điện tử phải phân bổ nguồn lực cho cả 3 dịp mua sắm đặc biệt trong một thời gian ngắn. Điều này dẫn đến doanh số 12.12 giảm hơn so với 11.11.
Dù doanh số thương mại điện tử vẫn tăng vào quý cuối năm và các ngày đôi đặc biệt, nhưng số liệu cho thấy mức tăng trưởng đang thu hẹp dần. Do đó, Criteo khuyên các nhãn hàng cần phải hiểu rõ hơn về hành vi của người tiêu dùng nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn này.
Hải Đăng
Thương mại điện tử rục rịch cho ngày mua sắm lớn nhất năm
Shopee, Lazada và thậm chí MoMo đều đã khởi động cho ngày mua sắm 11.11 được chờ đợi nhất trong năm.