Hãng di động Hàn Quốc ghi nhận sự tăng trưởng "đáng kể" về lượng tiêu thụ smartphone, dù tỷ suất lợi nhuận không thể so sánh được với đối thủ Apple.

Hai năm gần đây thực sự là một khoảng thời gian khó khăn với Samsung, khi loạt smartphone đầu bảng mới của họ không thể lặp lại thành công mang tính đột phá kể từ sau Galaxy S3. Một phần lý do là vì áp lực cạnh tranh mà Samsung phải đối mặt lớn hơn nhiều so với Apple. Việc hãng lựa chọn hệ điều hành Android đẩy Samsung vào thế phải "ngoài chống iPhone, trong chống lại hàng loạt thương hiệu Android khác".

{keywords}

Bản thân trong phe Android cũng chia ra hai mặt trận. Ở phân khúc cao cấp, Samsung phải đối phó với HTC và người đồng hương LG, trong khi ở mảng bình dân, giá rẻ, cuộc chiến giành giật khách hàng với Huawei, Xiaomi, Micromax cũng không dễ thở hơn chút nào.

Về phần mình, Apple tiếp tục cho thấy sự đáng sợ của mình. Bất chấp xu hướng chững lại và thoái trào của thị trường smartphone cao cấp nói chung, Apple vẫn thống trị phân khúc này, bán iPhone với tốc độ chóng mặt và thậm chí còn giật khách từ tay Samsung kể từ sau khi "phóng to" kích cỡ màn hình iPhone, từ 4-inch lên 4.7 inch (với iPhone 6) và 5.5 inch (iPhone 6s). Có thể nói, kể từ thời điểm bộ đôi iPhone 6 ra mắt hồi năm ngoái, ưu thế gần như duy nhất của Samsung trước Apple là màn hình lớn đã bị xóa bỏ. Lợi nhuận của Apple cũng vì thế mà tăng vọt, liên tục xô đổ mọi kỷ lục, trong khi Samsung rơi vào thái cực đối lập, chứng kiến lợi nhuận 7 quý liên tiếp tụt dốc.

Đại gia di động Hàn Quốc đã rất cố gắng cải thiện tình hình. Tháng 4 vừa qua, hãng này công bố bộ đôi smartphone đầu bảng Galaxy S6 và S6 Edge với thiết kế kim loại mới cao cấp, thay vì chất liệu plastic rẻ tiền mà hãng này vẫn quen dùng từ đời Galaxy S5 trở về trước. Đầu tháng 9, ngay trước khi bộ đôi iPhone 6s và 6s Plus ra mắt chỉ 10 ngày, Samsung lại trình làng tiếp bộ đôi cao cấp Galaxy Note 5 và Galaxy S6 Edge +, với cấu hình đẳng cấp và thiết kế nhận được nhiều khen ngợi.

Sự tăng tốc này dường như đã phát huy hiệu quả ban đầu. Sáng nay, trong buổi công bố kết quả kinh doanh quý III/2015, Samsung cho biết lợi nhuận của hãng đã tăng 82%, chấm dứt chuỗi 7 quý liên tiếp tụt dần đều, dẫu rằng doanh thu từ mảng di động chỉ giậm chân tại chỗ. Cụ thể, lợi nhuận Q3 đạt 7.93 nghìn tỷ won, tương đương 6,45 tỷ USD, trên tổng doanh thu 51.68 nghìn tỷ won. Tuy không tiết lộ doanh số smartphone xuất xưởng cụ thể song Samsung nhấn mạnh rằng chỉ số này đã "tăng trưởng đáng kể" trong quý. Mặc dù vậy, cần nhấn mạnh rằng doanh thu của hãng lại bị giảm vì hai yếu tố: các smartphone tầm trung và giá rẻ xuất xưởng nhiều, còn giá bán Galaxy S6, S6 Edge bị điều chỉnh giảm để tăng cầu.

Lợi nhuận của mảng di động đã tăng khoảng 33% so với cùng kỳ, chiếm gần 1/3 tổng lợi nhuận của quý. Đây là một kết quả khả quan tại thời điểm này, dù không thể so được với tỷ trọng 2/3 mà nó từng chiếm trong quá khứ. Cùng với di động, hai mảng kinh doanh rất có lãi của Samsung lúc này là chip và màn hình.

Câu hỏi đặt ra là sự cải thiện này sẽ kéo dài được bao lâu? Bản thân Samsung cũng không dám lạc quan, khi dự đoán lợi nhuận sẽ lại giảm trong quý IV, khi Apple bán iPhone tổng lực tại hơn 130 thị trường trên toàn thế giới.

Để giành ưu thế trước các đối thủ, Samsung được đồn là sẽ công bố mẫu smartphone đầu bảng kế tiếp - Galaxy S7 - ngay trong tháng 1, thay vì lựa chọn triển lãm MWC 2016 diễn ra vào cuối tháng 2 ở Barcelona. Việc đẩy sớm thời điểm mở bán S7 sẽ giúp Samsung có cơ hội tranh giành thị phần của iPhone 6S và 6S Plus. Ngoài ra, hãng cũng đang đặt hy vọng vào dịch vụ thanh toán di động Samsung Pay, vốn chính thức khai trương tại Mỹ hồi tháng trước. Dịch vụ này cho phép người dùng trả tiền mua hàng và dịch vụ thông qua smartphone hoặc đồng hồ thông minh Gear 2. Cũng giống như Apple Pay, mục tiêu của Samsung Pay là để xây dựng lòng trung thành và sự gắn kết của người dùng với sản phẩm của hãng, ngăn chặn tình trạng "nhảy tàu" sang thương hiệu khác.

T.Cầm