Nhà nước thực tế chỉ cần điều chỉnh chính sách để thị trường phát triển lành mạnh, chứ không cần phải chỉ đạo giá cả.

LTS: Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu Chính Viễn thông Mai Liêm Trực được coi là người tiên phong trong việc đưa mạng Internet vào Việt Nam, cũng là người đã quyết tâm xóa bỏ độc quyền, mở cửa ngành Bưu chính Viễn thông (BCVT) từ cách đây gần 20 năm. Bao năm qua, câu hỏi khiến ông suy tư nhiều nhất vẫn là tại sao BCVT làm được, mà các ngành độc quyền khác không làm được?

Tuần Việt Nam xin tiếp tục giới thiệu câu chuyện của ông, trong  chuyên đề "Làm thế nào để phá  vỡ thế độc quyền, mở rộng đường cho kinh tế phát triển".

>>Bài 1: Vị Thứ trưởng chống độc quyền...chính mình

Nhiều ngành đang loay hoay

Để thực hiện việc xóa bỏ độc quyền trong ngành BCVT, chúng tôi đã phải trải qua không ít áp lực. Lúc đó  lợi thế của chúng tôi là Thủ tướng Võ Văn Kiệt- một người rất đổi mới, rất nhạy bén- đã nhận ra sự cần thiết phải mở cửa thị trường viễn thông. Chính ông là người đã bật đèn xanh cho quyết định này.

Năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt kết thúc nhiệm kỳ, lúc đó Thủ tướng Phan Văn Khải lên, cũng là con người đổi mới. Nhưng không phải ai cũng ủng hộ quan điểm đó. Nhiều ý kiến thậm chí vẫn nói mở ra không quản được, mở ra là mất CNXH. Thậm chí ngay cả khi tôi đã cấp giấy phép mở cửa thị trường BCVT, có vị vẫn gọi điện xuống yêu cầu dừng lại.

Tôi hoàn toàn không lo việc mất chức, không lo làm mất lòng ông này ông kia. Thủ tướng Võ Văn kiệt từng nói: “Làm việc mà cứ nhìn xuống cái chân ghế của mình thì không làm được việc gì cả”. Tôi chỉ sợ mình không đủ sức để bảo vệ quyết định của mình nếu bị cản trở. Phải với rất nhiều cố gắng, với rất nhiều lần báo cáo, giải trình, tôi mới đưa được vấn đề mở cửa ngành BCVT vào chỉ thị 58 của Bộ CT.

Cái khó khăn thứ hai là khó khăn từ nội bộ. Những lúc  HĐQT của VNPT nói Tổng cục Bưu điện “ép” VNPT quá, yêu cầu tôi tổ chức cuộc họp về vấn đề này, tôi đã nói: “Không cần họp, các anh cứ báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng. Tôi chịu trách nhiệm trước Thủ tướng”. Mở cửa thị trường viễn thông đã tạo ra tác động xã hội vô cùng lớn: Giá cước giảm rất nhanh, điện thoại bàn, rồi điện thoại di động không còn là thứ xa xỉ với người VN.

Là một Tổng GĐ một doanh nghiệp độc quyền tự nhiên như VNPT, tôi hiểu những lợi thế và những khó khăn của một DN độc quyền, cũng như sự nhạy cảm khi mở cửa. Bởi không có bất cứ sự độc quyền nào là tốt cả. Vì cạnh tranh là động lực để phát triển xã hội. Tôi nhìn thấy những nguy cơ của độc quyền, đặc biệt là sự độc quyền của DNNN. Phải mở cửa dân mới được nhờ. Không mở cửa dân chỉ có thiệt.

{keywords}

Chỉ một ví dụ thế này thôi, khi nghiên cứu về thị trường viễn thông các nước, tôi phát hiện ra: Các DN độc quyền tự nhiên bao giờ cũng tìm cách đẩy giá cước lên rất cao. Và bao giờ họ cũng tìm cách nói vống về chi phí làm công ích của mình. Có những nước phải cấp ngân sách rất cao cho các DN này làm công ích. Thế nhưng khi mở cửa thị trường mới vỡ lẽ rằng hóa ra chỉ cần 1/3 ngân sách cấp trước đó là đủ.

Ngành BCVT đã tiến hành mở cửa thị trường thành công từ nhiều năm trước, trong khi nhiều ngành độc quyền tự nhiên ở nước ta như điện lực, xăng dầu vẫn còn khá loay hoay.

Theo dõi các ngành độc quyền như xăng dầu, điện lực, tôi cảm thấy rõ ràng họ có sự lúng túng. Chỉ như chuyện giá cả xăng dầu thôi: Chúng ta muốn giá phải do cơ chế thị trường quy định, nhưng anh không tạo ra thị trường cạnh tranh thị trường thực sự thì sao có thể để giá cả thả nổi được?

Việc đáng làm thì không làm?

Khi VNPT còn độc quyền, Tổng cục Bưu điện phải quản lý giá cước từng cuộc gọi và phải ép giảm giá liên tục.

Ép đến mức VNPT đã từng viết thư lên Thủ tướng “tố”, nói rằng việc tôi làm đã giảm thu ngân sách nhà nước. Lúc internet mới mở cửa, người ta đề nghị giá cước 1000 đồng/ 1 phút, nhưng ban lãnh đạo chỉ cho phép 400 đồng/ phút. Khi chưa có thị trường thực sự, chúng tôi buộc phải làm thế. Còn khi đã có thị trường rồi, tự thị trường sẽ điều tiết mọi thứ.

Khi  mở cửa thị trường viễn thông, chúng tôi không bao giờ lường được cước viễn thông sẽ giảm thế này, chi phí công ích cũng sẽ giảm thế kia. Xưa kia chúng ta quản lý thị trường gạo. Chúng ta ngăn sông cấm chợ, tư nhân mang gạo từ tỉnh này đến tỉnh kia là bị bắt.

Chúng ta quản lý giá cả vì sợ thị trường bị hỗn loạn, nhưng cuối cùng thị trường gạo đâu có thế.  Đó là do thị trường tự điều chỉnh, chúng ta không dự đoán hết được. Nhà nước thực tế chỉ cần điều chỉnh chính sách để thị trường phát triển lành mạnh, chứ không cần phải chỉ đạo giá cả.

Đón đọc bài 3:

Có nhiều người, đặc biệt đứng đầu các bộ, ngành độc quyền luôn miệng nói rằng thị trường viễn thông, xăng dầu, điện lực… là những lĩnh vực nhạy cảm, nên cần có thời gian để xóa bỏ độc quyền. Chúng ta đã tiến hành cổ phần hóa 20 năm nay rồi mà mọi việc vẫn bộn bề. Và nếu nói là nhạy cảm, thì còn gì nhạy cảm hơn thị trường gạo? Nhưng sự thật thị trường gạo đã tự vận hành rất tốt đó thôi.

Tô Lan Hương (ghi)