Chặn dòng chảy Nord Stream 2

Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa quyết định ngừng phê chuẩn dự án Nord Stream 2 trị giá hơn 11 tỷ USD của Nga. Đây là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên dài hơn 1.200 km từ Nga đến Đức nằm dưới biến Baltic, do tập đoàn nhà nước Gazprom của Nga đầu tư xây dựng thay thế cho đường ống đi qua Ukraine.

Dự án Nord Stream 2 có công suất vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt/năm từ Nga tới Đức, đã hoàn thành từ tháng 9/2021 nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động do còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của cơ quan quản lý Đức và các nước Liên minh châu Âu (EU).

Dự án Nord Stream 2 sẽ giúp Nga tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt sang châu Âu lên 110 tỷ m3/năm.

Thủ tướng Đức cho hay Berlin cần thời gian để có đánh giá thêm. Như vậy, Nord Stream 2 vốn đã chậm được đưa vào hoạt động lại giờ đây thêm bất định.

{keywords}
Dự án Nord Stream 2 của Nga nối sang Đức.

Quyết định của Thủ tướng Đức được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/2 công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở khu vực phía Đông Ukraine và làm rấy lên nỗi lo ông Putin sớm tấn công vào Ukraine.

Quyết định của Thủ tướng Đức Olaf Scholz làm chậm nỗ lực đẩy mạnh bán khí tự nhiên của Nga sang châu Âu, vốn hứa hẹn nguồn thu lên tới 15 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, đây được xem là động thái tạm thời, bởi Đức phụ thuộc phần lớn khí đốt đến từ Nga và khó có thể thay thế.

Nord Stream 2 còn được biết đến với cái tên Dòng chảy phương Bắc 2 kéo từ biên giới phía tây nước Nga đến Estonia và Greifswald ở đông bắc nước Đức. Đây là đường ống được Nga xây dựng không đi qua Ukraine nhằm tránh tranh chấp giữa Ukraine và Nga về giá mua bán khí đốt từng xảy ra nhiều lần, cách đây cả thập kỷ.

Hồi 2014, tranh chấp giữa Ukraine và Nga về giá mua bán khí đốt đã khiến đất nước - vốn ngập chìm trong khói lửa của nội chiến - thiếu hàng tỷ mét khối khí đốt, trong khi người tiêu dùng châu Âu đối mặt một mùa đông lạnh giá bởi 15% lượng khí đốt tiêu thụ của khu vực được vận chuyển qua Ukraine.

Cũng giống như Ukraine, người dân châu Âu từng trải qua những mùa đông rét buốt khi mà những bất đồng về giá đã dẫn tới việc Nga gián đoạn nguồn cung vào các năm 2006 và 2009. Khi đó, tập đoàn con cưng của Thổng thống Putin Gazprom quyết định tăng giá bán khí đốt, lần một từ 50 USD/1.000m3 lên 230 USD/1.000m3 và lần thứ hai lên 400 USD/1.000m3. Lý do đơn giản chỉ là Nga muốn tăng giá để phù hợp với thị trường.

{keywords}
Năng lượng là "vũ khí" quan trọng của Putin.

Với Ukraine, tranh chấp hồi 2014 cũng là về giá. Nga đã cắt hợp đồng bán giá khí đốt ưu đãi cho Ukraine dưới thời cựu tổng thống Viktor Yanukovych vào tháng 4 năm đó, sau khi kết tội chậm thanh toán và chuyển sang hệ thống trả trước do không nhận được tiền thanh toán nợ nần từ Ukraine. Trong khi đó, Ukraine cho biết họ từ chối trả tiền bởi bị Gazprom nâng giá 80% lên 485,5 USD/1.000m3 - mức cao nhất tại châu Âu.

Sức mạnh khí đốt của Nga

Hiện tại, giá khí Nga bán cho châu Âu ở trên ngưỡng 1.000 Euro/1.000m3. Hôm 22/2, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cảnh báo những biện pháp trừng phạt của phương Tây lên Nga có thể khiến người dân châu Âu sẽ sớm phải trả tới 2.000 Euro/1.000m3 khí đốt, tức tăng gấp đôi so với hiện tại.

Mỹ đã có những biện pháp trừng phong tỏa tài khoản một số nhà tài phiệt và tổ chức của Nga, trong khi Đức tạm ngừng phê duyệt Nord Stream 2. Phương Tây đang tính thêm những biện pháp trừng phạt mới.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, nhìn chung EU dường như vẫn khá thận trọng và né tránh những đòn trừng phạt nhắm vào Nga, bởi có lẽ liên minh này vẫn e dè những mùa đông lạnh giá. EU hiện phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga.

Trong quá khứ, rất nhiều lần EU họp bàn về vấn đề an ninh năng lượng với các giải pháp như: điện hạt nhân, sự hỗ trợ từ Mỹ và nhập thay thế từ châu Phi và Nam Mỹ. Dù vậy, cho đến nay, châu Âu vẫn phụ thuộc rất lớn vào Nga với phần lớn khi đốt nhập từ nước này.

{keywords}
Căng thẳng Nga-Ukraine khiến EU lo ngại.

Trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt, sẽ có khoảng 10 nước rét cóng vì hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ chính quyền Putin. Trong khi đó, EU cũng khó trông chờ vào đồng minh Mỹ khi mà nhập khẩu từ các khu vực khác cũng có hạn và mức giá không dễ chấp nhận.

Trong nhiều năm qua, Mỹ phản đối dự án Nord Stream 2 vì lo ngại Kremlin có thể sử dụng khí đốt làm “công cụ chính trị” gây ảnh hưởng tới Đức và các đồng minh của Mỹ tại châu Âu. Tuy nhiên, đây là nguồn khí giá rẻ và tiện lợi cho châu Âu.

Trước mắt, theo Reuters, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã yêu cầu các bộ ngành đánh giá để đảm bảo nguồn cung khí đốt trước những biến động mới. Tạm thời, nguồn cung khí đốt của Đức vẫn được đảm bảo kể cả không có Nord Stream 2. Tuy nhiên, Đức thừa nhận trong ngắn hạn giá khí đốt có thể sẽ tăng.

Không chỉ dầu khí, nhiều nước EU có những hợp tác chặt chẽ với Nga trên nhiều lĩnh vực như Anh là tài chính, Pháp là quốc phòng và Đức là công nghiệp. Nhiều tập đoàn lớn của EU có cổ phần hoặc hợp tác chặt chẽ trong với các tập đoàn năng lượng hàng đầu của Nga. Nga trong khi đó phụ thuộc rất nhiều vào tiền bán dầu khi cho khu vực này.

M. Hà

TT Putin ra lệnh tiến quân, chứng khoán toàn cầu rúng động

TT Putin ra lệnh tiến quân, chứng khoán toàn cầu rúng động

Thị trường chứng khoán toàn cầu rúng động sau khi đụng độ xảy ra giữa Nga và Ukraine. Tổng thống Nga Putin lệnh cho các lực lượng vào các khu vực ly khai phía đông Ukraine sau khi công nhận nền độc lập của họ.